Theo báo cáo của LGA, chỉ có khoảng 30% số hộp và khay nhựa có thể tái sử dụng thay vì đưa đến các khu chôn hoặc đốt rác. LGA cho biết đang làm mọi cách để giải quyết vấn đề rác thải nhựa với 99% cộng đồng địa phương thu thập các chai nhựa và 77% cộng đồng thu thập lọ, hộp và khay nhựa để tái chế.
Tuy nhiên, theo LGA, các đồ đựng thực phẩm có thể được làm từ rất nhiều loại polymer, phân tử cấu thành nên nhựa, và cần được phân loại để xử lý phù hợp. Ngoài ra, một loại đồ đựng thực phẩm cũng sử dụng những loại nhựa khác nhau như thân và nắp của hộp sữa chua, trong khi các túi đựng quả và rau thường làm từ 3 loại polymer và các loại thức ăn hâm nóng bằng lò vi sóng thì thường được đựng trong loại nhựa màu đen dẫn đến khó khăn cho việc phân loại.
LGA hối thúc các nhà sản xuất nhựa ngừng sử dụng nhiều loại nhựa làm đồ đựng thực phẩm nhằm giảm bớt rác và tăng lượng đồ nhựa tái chế. LGA cũng hy vọng chính phủ sẽ xem xét cấm sử dụng các loại túi nilon chất lượng thấp cũng như buộc các nhà sản xuất đóng góp tài chính cho việc thu thập hoặc xử lý các sản phẩm này.
Người phát ngôn về vấn đề môi trường của LGA Judith Blake cho biết: "Đã đến lúc các nhà sản xuất không được phép để các loại nhựa không thể tái chế và gây hại đổ ra môi trường của chúng ta... Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã kêu gọi các nhà sản xuất lên kế hoạch chấm dứt việc xả loại rác này ra môi trường. Điều này cần thực hiện ngay, và chính phủ nên xem xét cấm các loại nhựa chất lượng thấp, đặc biệt là các loại nhựa sử dụng 1 lần để tăng lượng nhựa được tái chế".
Gần đây, cộng đồng quốc tế đã quan tâm hơn tới các vấn đề môi trường liên quan đến các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Năm 2017, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết không có tính chất bắt buộc yêu cầu ngăn để rác thải nhựa bị vứt ra các đại dương.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ.
Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Người ta ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ như cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, đánh thuế đồ nhựa,... song song với các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp xử lý rác thải nhựa.