Thông tư 15 giúp giảm chỉ định dịch vụ y tế quá mức cần thiết

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị "Triển khai Thông tư số 15/2018/TT-BYT qui định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc" khu vực miền Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Năm 2015, Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC qui định thống nhất dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc với mức giá gồm: chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thông tư 37 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế; khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đến nay có 159 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên); giảm số lượng người làm việc tại các bệnh viện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước...

Tuy nhiên, Thông tư 37 vẫn phải điều chỉnh là do khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã tính, báo cáo mức đóng bảo hiểm y tế là 3% phù hợp với mức viện phí qui định tại Thông tư 14 năm 1995 và Thông tư 03 năm 2006.
 
Khi mức giá tính thêm tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao theo lộ trình thì phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế tăng lên và Luật đã qui định tối đa là 6% lương. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế nên phải điều chỉnh mức giá để bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế cho đến năm 2020. Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết...

Những ngày nắng nóng này, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), lượng bệnh nhân đến cấp cứu, điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ, hô hấp, tiêu chảy… tăng 25-35% so với ngày thường. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã khảo sát, tính chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15 thay thế Thông tư 37, có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.

Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm  y tế. Các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Đồng thời, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh cũng giảm giúp tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi tích cực để việc thực hiện Thông tư 15 trên cả nước thuận lợi, đúng qui định góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, mức giá dịch vụ của Thông tư 15 vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa kết cấu chi phí quản lý; tiền lương vẫn tính theo mức cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương mới 1.390.000 đồng.
 
So với Thông tư 37, số lượng dịch vụ điều chỉnh tại Thông tư 15 là: Điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật (gồm: điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, điều chỉnh tăng 9 dịch vụ và bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật); điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp cắt lớp vi tính, nội soi); bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính giá của khoảng 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để bảo hiểm xã hội thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế theo thực tế sử dụng.

Đặc biệt, Thông tư 15 đã qui định rõ ràng việc niêm yết giá công khai toàn bộ các dịch vụ đơn vị cung cấp bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Ngoài ra, Thông tư 15 cũng qui định cụ thể về mức giá khám bệnh; quyết toán tiền ngày giường bệnh hàng quý...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung trong Thông tư 15 như: Chi phí tiền lương trong khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ y tế kỹ thuật; các dịch vụ điều chỉnh; định mức kinh tế kỹ thuật; các qui định về thanh toán...

Thu Phương (TTXVN)
Thực hiện Thông tư 15: Bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh
Thực hiện Thông tư 15: Bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh

“Mặc dù việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế trong Thông tư 15/2018/TT-BYT sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở y tế, tuy nhiên các bệnh viện vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN