Người dân kỳ vọng giá dịch vụ y tế tăng, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Teo BHXH Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 24/4, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán là 26.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017 số lượt khám bệnh, chữa bệnh tăng 12,08%. Vì vậy, chi khám chữa bệnh BHYT tăng 19,21%; Số lượt khám chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 2,7 triệu lượt tăng 14,95%; tuyến tỉnh: 14,03%; tuyến Trung ương: 17,11%.
Chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT gia tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với 1.999 tỷ đồng tăng 19,74%. Còn tại tuyến huyện, chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT tăng 18,92% và tuyến trung ương là 17,18%, tuyến xã là 14,4%.
Các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung là Phú Thọ (17,72 %); Hà Giang (17,46%); Thanh Hóa (16,5%); Sơn la (16,46%), Vĩnh Phúc (16.19%).
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thông tin, trong quý 1/2018 chi phí tiền ngày giường điều trị tăng cao với số tiền 3.711 tỷ đồng (quý 1/2017 là 2.783 tỷ đồng). Như vậy chi phí gia tăng 928 tỷ đồng.
Các tỉnh có gia tăng chi tiền giường cao là: Thừa Thiên - Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ (tăng 16,52%)…
Về mức chi trả tiền bảo hiểm y tế trong quý 1/2018, mức chi trả cao nhất đã lên tới 1,399 tỷ đồng cho một bệnh nhân bị suy gan tại xã Vân Đồn, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là mức cao nhất từ đầu năm 2018 đến nay.
Trước đó, trong năm 2017,người được BHYT chi trả đến 4,5 tỷ đồng là một bệnh nhân nam (sinh năm 1984, ở tỉnh Vĩnh Long) mắc bệnh máu khó đông. Bệnh này phải truyền máu liên tục và phải điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ.