Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đối với mặt hàng thuốc lá đang bộc lộ những bất cập gì, thưa ông?
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đối với mặt hàng thuốc lá có 3 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, trong thời gian qua, thuế có xu hướng tăng nhiều lần, nhưng vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn là khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng thuốc lá, đồng nghĩa với việc chưa cải thiện được sức khỏe của người dân thông qua việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
Thứ hai, Luật Thuế TTĐB hiện nay cũng chưa tiếp cận được với các thông lệ quốc tế, cách đánh thuế vẫn chỉ tập trung vào thuế tương đối là 75% đánh trên giá xuất xưởng. Trên thế giới, nhiều nước đang thực hiện chính sách đánh thuế hỗn hợp bao gồm thuế tương đối và kể cả thuế tuyệt đối tức là mức tiền cố định trên một đơn vị sản phẩm, điều này khiến người tiêu dùng phải chần chừ hơn khi mua thuốc lá.
Thứ ba, Luật Thuế TTĐB vẫn đang tập trung vào thu, mà chưa hướng đến chi, tức là số tiền thu được từ tăng thuế cần được chi cho các chương trình cải thiện môi trường, nâng cao mặt bằng y tế ở các địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Ông vừa nhắc tới mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam, vậy việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá sẽ tác động thế nào đến mục tiêu này?
Nếu việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phát huy tác động hữu hiệu đối với giảm tiêu dùng thuốc lá, thì việc thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam sẽ có chuyển biến đáng kể. Chẳng hạn, giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ tác động trực tiếp đến việc bảo đảm cho người dân có sức khỏe và cuộc sống tốt (Mục tiêu SDG số 3). Mặt khác, giảm tiêu dùng thuốc lá cũng có thể giảm các chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, theo đó giúp các hộ gia đình có điều kiện tốt hơn để giảm nghèo (Mục tiêu SDG số 1) và không còn nạn đói (Mục tiêu SDG số 2)…
Tôi cho rằng, nếu có cân nhắc ưu tiên sử dụng nguồn thu ngân sách bổ sung từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cho các chương trình, sáng kiến giúp thực hiện SDG thì hiệu quả đối với phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ còn toàn diện và sâu sắc hơn. Chẳng hạn, nếu có cân nhắc sử dụng nguồn thu bổ sung cho các chương trình hỗ trợ giáo dục thì chất lượng giáo dục có thể sẽ được cải thiện (Mục tiêu SDG số 4). Trong các khóa tập huấn gần đây, chúng tôi đã nhấn mạnh việc cân nhắc thêm về khía cạnh chi cho phát triển bền vững được tài trợ bởi nguồn thu ngân sách từ chính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, sẽ giúp xã hội đồng thuận hơn về giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong thời gian tới.
Theo ông, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần cân nhắc những gì, nhất là đối với các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới đang được sử dụng tràn lan hiện nay?
Trước hết, chúng ta phải rà soát kỹ lưỡng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong thời gian vừa qua. Không ít ý kiến cho rằng mức thuế TTĐB trong thời gian vừa qua còn thấp và chưa giúp giảm đáng kể tiêu dùng thuốc lá. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi tiêu cho thuốc lá còn tương đối thấp so với thu nhập của người dân, nên việc tăng giá thuốc lá do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chưa làm giảm tiêu dùng thuốc lá. Với những nguyên nhân đó, việc điều chỉnh thuế thuốc lá có thể cần cân nhắc một số nội dung.
Thứ nhất, Việt Nam cần cân nhắc chuyển sang áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tức là áp dụng cả thuế tuyệt đối và thuế tương đối, thay vì chỉ áp dụng thuế tương đối như hiện nay. Cách tiếp cận áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là cách mà nhiều quốc gia đã áp dụng, và đã mang lại hiệu quả khiến người tiêu dùng phải cân nhắc hơn về chi phí tiêu dùng thuốc lá.
Thứ hai, Việt Nam cần cân nhắc các lựa chọn giá cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt khác, thay vì việc áp dụng giá xuất xưởng như hiện nay. Nếu các nội dung này có thể đồng thời đưa vào trong cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, tác động giảm tiêu dùng thuốc lá có thể sẽ lớn hơn, và bền vững hơn.
Từ góc độ y tế và sức khỏe, cá nhân tôi cũng ủng hộ việc cấm lưu hành các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, việc thực hiện cấm lưu hành sản phẩm này có khả thi không, cần những điều kiện thực thi gì thì lại chưa được làm rõ một cách khoa học. Ngược lại, nếu cho phép lưu hành thì mức thuế TTĐB phải được xác định như thế nào để hài hòa với mức thuế hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá, và đủ tác động “triệt tiêu” động lực tiêu dùng sản phẩm này? Chỉ khi có những cân nhắc và thông tin đầy đủ như vậy, giải pháp được lựa chọn cuối cùng sẽ có tính đồng thuận cao và dễ triển khai hơn.
Việc áp thuế hỗn hợp với thuốc lá có phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay không, thưa ông?
Tôi cho rằng Việt Nam đã có những điều kiện phù hợp để áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá. Một mặt, xã hội đã gia tăng nhận thức đối với phòng chống tác hại của thuốc lá, và đã nhìn nhận thẳng thắn đối với tác động hạn chế của cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (chỉ dựa vào thuế tương đối) như trong thời gian vừa qua. Mặt khác, chúng ta cũng đã có không ít tổng kết về kinh nghiệm thành công ở các quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá. Nếu có thể bổ sung các căn cứ khoa học về việc sử dụng hiệu quả nguồn thu ngân sách nhà nước bổ sung từ việc áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá cho các chương trình chi phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, mức độ đồng thuận đối với cơ chế thuế này sẽ còn tích cực hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!