Thay đổi cách thức đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ngày 5/3, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao".

Chú thích ảnh
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (giữa) và ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong cuộc Tọa đàm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tại Tọa đàm, trao đổi về nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nguồn nhân lực cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, nhân cách, tay nghề, năng lực vượt trội và có thực tế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Nhìn nhận, đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam từng trải qua giai đoạn mở cửa, trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong giai đoạn này, phần lớn lao động không thể đào tạo bài bản, đưa vào sử dụng ngay để giải quyết vấn đề việc làm. “Đó từng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, đến nay, trong quá trình hội nhập cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi lao động Việt Nam cần có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Để làm được điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có cách đánh giá, nhìn nhận phù hợp với nhu cầu thị trường lao động từng thời kỳ. Giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thay đổi cách thức đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, thu gọn đầu mối, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, trang bị trang thiết bị học tập đầy đủ cho học sinh, sinh viên. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo song song cả ở nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay. Các trường cần đi trước, đón đầu xu hướng của xã hội.

Theo quan điểm của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Trương Anh Dũng, không phải nhân lực trình độ cao thì chất lượng sẽ cao. Trên thực tế, có những lao động, học sinh sinh viên được đào tạo một cách bài bản trong hệ thống trung cấp, cao đẳng có kiến thức kỹ năng và năng lực tốt, thì cũng có thể coi đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Không riêng những người có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ mới là nhân lực cao. Nếu được đào tạo bài bản, có kiến thức, kỹ năng làm việc tốt cũng được coi là nhân lực có chất lượng cao”, ông Trương Anh Dũng nêu rõ.

Cũng theo ông Trương Anh Dũng, Việt Nam hiện có trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số là lao động trẻ. Đây là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, trình độ lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ 23% trong số này đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Con số này so với tương quan của các quốc gia trong khu vực vẫn còn khá thấp, khó tạo ra năng suất lao động tiệm cận với các nước phát triển. Đây là hạn chế, khoảng cách lớn nhất so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam hiện đang có những tín hiệu khả quan trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ số đào tạo nghề năm 2019 của Việt Nam đã tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng trong Báo cáo cạnh tranh năng lực toàn cầu và là một trong các quốc gia có chỉ số tăng chất lượng đào tạo nghề rất tốt, từ đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Chính phủ đang tiếp tục rà soát các hệ thống cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng muốn đào tạo nhân lực có chất lượng thì cần có nguồn lực rất lớn. Hiện nay, chi phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đều rất lớn. Ví dụ như Việt Nam, các trường nghề cấp tỉnh được đầu tư 40 tỷ đồng, cấp thành phố 400 tỷ đồng. Với các nước trên thế giới, để mở một trường nghề phải mất tới 400 triệu USD. Song trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là giải pháp cần tập trung”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam

"BUV tự hào là biểu tượng hợp tác thành công về giáo dục giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam" - ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam khẳng định như vậy trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), diễn ra chiều 5/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN