Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Tại đây người dân liên tiếp có những hoạt động, như căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé, dàn hàng ngang, tụ tập đông người... Có thời điểm có trên 100 ô tô diễu hành, hàng trăm người tụ tập gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Đây thật sự là những chuỗi ngày vất vả, mệt nhọc, mất công, tốn sức cho cả người dân, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Nguồn gốc của sự việc trên không ngoài việc người dân phát hiện bất hợp lý trong việc thu phí, họ cho rằng mình không đi một mét đường BOT nào của chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco4) nhưng vẫn phải mua vé khi qua Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1.
Đây là một trong hai trạm thu phí do Cienco4 quản lý, với mục đích chính là thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Vào thời điểm đó người dân liên tiếp phản ánh với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí những bất hợp lý. Họ dẫn chứng, có người nhà ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sử dụng ô tô để đi làm ở thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ cách nhà 4 km, dù không đi trên đường BOT nhưng mỗi ngày đi về 4 lượt, mất trên 150.000 đồng phí qua trạm.
Lại có người dân nhà ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi khám bệnh ở thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ chi 30.000 đồng tiền taxi, nhưng phải trả thêm 80.000 đồng phí BOT trong khi thực tế người này không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào…
Bức xúc trước thực tế này, người dân đã bày tỏ phản đối ngay tại Trạm thu phí cầu Bến thủy 1. Không dừng lại đó, hàng trăm người dân còn ký đơn tập thể gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đề nghị được miễn phí hoặc dừng thu phí tại cầu Bến Thủy 1 để tạo công bằng cho người dân do họ không đi trên tuyến đường tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Trước những phản ánh của người dân và của chính quyền địa phương và cũng để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài, tháo gỡ “điểm nóng” cầu Bến Thủy, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định của nhà nước về thu phí qua cầu Bến Thủy; phân luồng, điều tiết giao thông, tránh để ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực cầu Bến Thủy và tuyến Quốc lộ 1A; giảm giá vé cho phương tiện của người dân khi đi qua trạm thu phí…
Tuy nhiên, giải pháp giảm một phần giá vé đã không đem lại kết quả. Rất đông người dân các huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) vẫn không chấp hành mà kiên quyết phản đối việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1, dẫn đến tình trạng nhiều người dân tiếp tục tổ chức tụ tập, treo băng rôn, khẩu hiệu, dùng tiền lẻ mua vé, dừng xe hoặc có những hoạt động khác gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Tình trạng này kéo dài liên tục không chỉ trong năm 2016. Đến tháng 4/2017 lại tiếp diễn việc người dân tụ tập, phản đối, gây ách tắc tại khu vực cầu Bến Thủy, có những ngày đẩy lên đỉnh điểm của ách tắc giao thông và sự hỗn loạn, phức tạp tại khu vực cầu Bến Thủy.
Sau nhiều nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, của chính quyền địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và của chủ đầu tư dự án, bắt đầu từ ngày 24/4/2017 Bộ Giao thông Vận tải quyết định miễn 100% giá vé cho các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Cũng từ đó đến nay tại khu vực cầu Bến Thủy không còn tình trạng người dân gây ách tắc giao thông; việc lưu thông, đi lại trở nên bình thường.
Trở lại thời gian, qua tìm hiểu phóng viên được biết, từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng 7 công trình dự án theo hình thức BOT trong nước; trong đó có tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An). Năm 2003, Bộ Giao thông vận tải cùng Cienco4 ký hợp đồng về xây dựng - kinh doanh - chuyển giao công trình tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An), hoàn vốn đầu tư dự án bằng thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Đến năm 2011, Nhà nước đầu tư dự án cầu Bến Thủy 2 nối trực tiếp vào tuyến tránh thành phố Vinh. Lúc này nhà đầu tư đề nghị lập thêm một trạm phụ tại đầu cầu Bến Thủy 2 để thu phí những xe đi từ đường tránh thành phố Vinh ra cầu Bến Thủy 2 (và ngược lại) và đã được Bộ Tài chính cùng UBND tỉnh Nghệ An thống nhất.
Thực hiện đề án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) theo hình thức hợp đồng BOT (dự án này nối tiếp dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh, Nghệ An), sử dụng Trạm thu phí Bến Thủy để hoàn vốn đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung 3 hạng mục kinh phí khoảng 600 tỷ đồng vào dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Như vậy có thể nói lộ trình và các bước để thực hiện các dự án BOT trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh liên quan đến Trạm thu phí cầu Bến Thủy đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có sự vào cuộc, cho phép, đồng ý của các bộ, ngành liên quan và sự thống nhất của UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tuy nhiên trên thực tế mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư vẫn xảy ra. Rõ ràng, người dân – đối tượng trực tiếp, thường xuyên qua lại trên cầu Bến Thủy 1, phải bỏ tiền túi của mình mua vé qua cầu để trả cho việc hoàn vốn các dự án BOT (mà trên thực tế chính họ không đi trên các dự án BOT này) đã nhìn thấy những bất hợp lý.