Tháo điểm nghẽn về BOT giao thông - Bài 5: Đưa khu vực Tây Bắc gần hơn với Thủ đô

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cận kề Thủ đô Hà Nội và là cửa ngõ vùng Tây Bắc. Nhiều năm nay Quốc lộ 6 là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên với vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Do lưu lượng xe ô tô ngày càng lớn, tuyến Quốc lộ 6 trở nên quá tải. Nhằm phá thế độc đạo của tuyến đường 6, rút ngắn thời gian đi lại từ thành phố Hòa Bình về Hà Nội từ 2 giờ đồng hồ xuống 1 giờ, từ năm 2007 tỉnh Hòa Bình đã khởi động dự án mở tuyến đường mới từ thành phố Hòa Bình đến thị trấn Xuân Mai (Hà Nội), kết nối vào tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Cấp bách nhưng đầu tư ngẫu hứng

Khởi đầu dự án này, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình chọn làm nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) trên cơ sở các Công văn số 475/TTg-CN và 2125/VPCP-KTN của Thủ tướng Chính phủ.

Trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình.

Trong quá trình triển khai dự án, do biến động của thị trường bất động sản, quỹ đất dự án đối ứng cho Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình của cả tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đều không đáp ứng trả cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường. Do vậy, dự án đã phải tạm dừng thi công để chuyển đổi hình thức đầu tư.

Năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ (Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2157/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải) cho phép ghép Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vào Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành Dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT và giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay UBND 2 tỉnh, thành phố để thực hiện dự án.

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng mức đầu tư 2.942 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng công trình và thiết bị là hơn 1.480 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 490 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 hợp phần, hợp phần xây mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7 km, tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng và hợp phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6 km, tổng mức đầu tư 567,4 tỷ đồng. Tại mỗi hợp phần sẽ xây dựng 1 trạm thu giá dịch vụ để hoàn vốn. Thời gian hoàn vốn tạm tính trong hợp đồng BOT là 24 năm 11 tháng 8 ngày.

Dự án được thực hiện bởi Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hoà Lạc - Hoà Bình là đơn vị liên danh của 3 đơn vị gồm Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc.

Dự án BOT là sự “chữa cháy” cho Dự án Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT của GELEXIMCO thi công lay lắt trong nhiều năm. Công trình này được kỳ vọng “đưa khu vực Tây Bắc gần hơn với Thủ đô Hà Nội”. Tuy nhiên, ngoại trừ hợp phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 sớm hoàn thành và đưa vào thu phí từ 20/10/2015 thì tiến độ đang là một trong những điểm hạn chế lớn nhất tại Dự án BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Theo kế hoạch, đến tháng 9/2016 dự án sẽ hoàn thành và khai thác thu phí hoàn vốn toàn tuyến ở cả 2 trạm thu phí Xuân Mai - Hoà Bình và Hoà Lạc - Hoà Bình. Song, cho đến giữa tháng 12/2017, tiến độ thực hiện dự án đã chậm 15 tháng so với hợp đồng BOT đã ký.

Hiện đoạn qua địa phận Hà Nội có chiều dài tuyến 6,37 km, các đơn vị thi công mới hoàn thành khoảng 70% khối lượng đắp đất nền; đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài 16,5 km hoàn thành toàn bộ phần cầu trên tuyến và công trình thoát nước; khối lượng nền đường đã hoàn thành 92% đắp đất.

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hoà Lạc - Hoà Bình cho rằng, dự án chưa cán đích do hai nguyên nhân chính là chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và huy động vốn vay thương mại bị gián đoạn trong gần 1 năm (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, ngân hàng tài trợ vốn tạm dừng giải ngân cho dự án với các lý do số liệu báo cáo doanh thu thực tế thấp so với phương án tài chính).

Vẫn vướng mắc trong thu phí

Trạm thu phí Km 42+730, Quốc lộ 6 (thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT chính thức đi vào hoạt động từ 20/10/2015.

Tuy nhiên, ngay khi đi vào khai thác, trạm thu phí này liên tục xảy ra hiện tượng lái xe khi đi qua trạm cố tình không mua vé, đe dọa nhân viên, ngang nhiên đẩy, đâm barie vượt trạm hoặc dừng xe gây ách tắc giao thông cũng với lý do phí cao.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 12/2015, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình về việc cho phép UBND tỉnh thống nhất với doanh nghiệp dự án xây dựng phương án, tính toán giá vé cho các tổ chức, hộ dân thường trú tại khu vực xung quanh trạm có sử dụng ô tô phù hợp với thực tế sử dụng quãng đường BOT của các phương tiện.

Trên cơ sở đó, ngày 20/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình cùng nhau ký Văn bản 91 thống nhất phương án thu phí cho phương tiện của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và các xã: Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh (huyện Lương Sơn) với mức phí giảm 70% so với mức thu theo quy định tại Thông tư 122 của Bộ Tài chính áp dụng từ 1/10/2016.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2017, trạm thu phí này đã áp dụng mức phí giảm 70% cho các chủ phương tiện trên địa bàn 4 xã trên, kể cả xe chính chủ và không chính chủ, tạo sự đồng thuận cao của người dân và từ đó đến nay bình yên đã trở lại ở trạm thu phí này.

Anh Tô Thanh Phương, Phụ trách Trạm thu phí BOT Xuân Mai- Hòa Bình cho biết, hiện tại có hơn 1.400 chủ phương tiện được miễn giảm phí qua trạm; trong đó 800 xe con được miễn phí hoàn toàn.

Ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn chia sẻ, kinh nghiệm của huyện trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở Trạm thu phí BOT chính là yêu cầu nhà đầu tư có chính sách miễn giảm thu hợp lý cho các chủ phương tiện ở gần trạm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; không tạo ra xung đột, bất ổn.

Mặt khác, huyện thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến trước và sau khi thực hiện phương án; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục để được áp dụng miễn, giảm phí. Đồng thời  huyện chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ trạm thu phí xây dựng phương án bảo vệ, phân luồng từ xa, có phương tiện cần thiết để xử lý kịp thời các tình huống nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự, cố tình cản trở giao thông khu vực trạm thu phí.

Tháo gỡ khó khăn để dự án thành công

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được xác định là trọng điểm, nhưng được đầu tư theo kiểu “ngẫu hứng” không có kế hoạch đảm bảo vốn.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho hay, việc dự án bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ lụy khác kéo theo.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra những thiếu sót, bất cập của dự án này. Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 thì tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hoà Bình phải nâng cấp thành đường cấp II, 4 làn xe. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án của Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư nâng cấp đường không đạt tiêu chuẩn quy hoạch.

Cụ thể, đoạn Xuân Mai - Hoà Bình là đường cấp III (đồng bằng và miền núi), 2 làn xe và đoạn Hoà Lạc- Hoà Bình là đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc - Hoà Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý. 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: “Do khi dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến Quốc lộ 6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hoà Bình - Hoà Lạc trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu quy định tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định 108/2009/NĐ-CP ”.

Với những thiếu sót mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư BOT cần có giải pháp khắc phục, thu xếp nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Về lâu dài cần tính toán phương án thu phí hợp lý tạo sự đồng thuận của người dân để dự án đạt mục tiêu đề ra.




Bài và ảnh: Nhan Hữu Sinh (TTXVN)
Tháo điểm nghẽn về BOT giao thông - Bài 4: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh
Tháo điểm nghẽn về BOT giao thông - Bài 4: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương thành công trong thu hút đầu tư các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN