Với sự nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao nhiệm vụ xây dựng đường cao tốc và Cảng hàng không. Đến nay, tổng số vốn xã hội hóa đầu tư công trình giao thông trên địa bàn đạt trên 30.000 tỷ đồng; trong đó có 4 dự án BOT giao thông đường bộ.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ Quảng Ninh đang kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn theo hình thức BOT như dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự án Cảng khách quốc tế Hòn Gai… nhằm nâng tổng số vốn xã hội hóa công trình giao thông trên địa bàn lên khoảng 60.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh nhận xét: Phương thức đầu tư dự án BOT giao thông là một chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Sau hơn 5 năm triển khai, đầu tư dự án BOT giao thông ở tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, đáp ứng quy hoạch giao thông đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hệ thống cầu, đường được nâng cấp, lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn. Điển hình, dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (thuộc tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long), khi hoàn thành sẽ tạo thành tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trạm thu phí Đại Yên tại km97+050 trên Quốc lộ 18. |
Cụ thể, dự án góp phần giảm thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Ninh còn khoảng 1 giờ 45 phút (hiện tại đi qua Quốc lộ 18 - Quốc lộ 10 - Quốc lộ 5 sẽ mất khoảng 3 giờ 45 phút), giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và thời gian đi lại của nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời góp phần thúc đẩy kết nối giao thương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như kết nối giao thương với quốc tế thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Đầu tư giao thông theo hình thức BOT đã góp phần giảm áp lực về nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho ngân sách Nhà nước do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của nhân dân và doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho hay: Đối với các công trình giao thông đang đầu tư theo hình thức BOT ở Quảng Ninh với tổng nguồn vốn thu hút trên 30.000 tỷ đồng, nếu sử dụng vốn đầu tư ngân sách của địa phương và Trung ương thì phải mất ít nhất 10 năm mới có thể đầu tư hoàn thành đồng bộ các công trình này.
Đồng thời, nguồn ngân sách Nhà nước cũng không phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng cho các công trình trong suốt thời gian thực khai thác của dự án theo hợp đồng. Ước tính, chỉ với 3 dự án đang triển khai thì tổng số tiền duy tu, bảo dưỡng trong quá trình khai thác khoảng 12.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Hồng Minh, việc triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm theo hình thức BOT và các dự án sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Khi các dự án giao thông hoàn thành Quảng Ninh sẽ cơ bản đồng bộ về kết cấu hạ tầng; trong đó có tuyến đường cao tốc, Cảng hàng không, Quốc lộ 18..., giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Việc đầu tư hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm sẽ góp phần tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, giảm thời gian di chuyển để phát huy các thế mạnh tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh như: phát huy thế mạnh về du lịch với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, du lịch tâm linh Yên Tử, Cái Bầu, Cửa Ông, hay phát huy thế mạnh của các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô, Động Trung… trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nắm tâm tư, gỡ vướng mắc Công ty cổ phần BOT Đại Dương là doanh nghiệp thực hiện “Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long theo hình thức BOT”, có chiều dài 30,1 km, vị trí đặt Trạm thu phí Đại Yên (thành phố Hạ Long) tại Km97+050/QL18 với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Dự án trên đã được nghiệm thu hoàn thành và chuyển sang giai đoạn quản lý khai thác từ tháng 10/2014.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần BOT Đại Dương, Nguyễn Văn Duật cho biết, mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại dự án này được áp dụng theo quy định tại Thông tư 44/TT-BTC ngày 15/4/2014 của Bộ Tài chính và chưa điều chỉnh tăng lần nào.
Theo ông Duật, giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ qua Trạm thu phí Đại Yên hiện nay đang ở nhóm giá vé thấp nhất so với các dự án có tuyến đường đầu tư tương đồng.