Đừng để nhà đầu tư “nản” Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông trong giai đoạn 2016-2020 cần hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách dự kiến chỉ cân đối khoảng 11%. Quan điểm của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải là tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực, chú trọng nguồn lực của tư nhân để đầu tư các công trình xây dựng mới. Trước mắt ưu tiên trục cao tốc Bắc – Nam và sân bay Quốc tế Long Thành, tiếp theo là tuyến đường sắt Thống Nhất tốc độ cao…
Thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Tiến Hiếu |
Với nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Luật sư Trần Văn Thi (Văn phòng Luật sư TrânBro – Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, BOT vẫn là một giải pháp chính sách để thêm nguồn tài chính, tranh thủ công nghệ quản lý của tư nhân nhằm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng có chất lượng. Tuy nhiên, những bất cập và sự phản ứng của người dân thời gian vừa qua có thể gây những quan ngại cho các nhà đầu tư muốn tham gia các dự án theo hình thức đầu tư BOT.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco Phạm Quang Dũng, cho rằng: “Đường đến đâu, giàu có đến đấy, ai cũng biết điều này. Các địa phương đều khát khao, họ tích cực vận động để đầu tư BOT về địa phương. Đất nước không thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải giải quyết sớm tình trạng hiện nay, để lấy lại niềm tin của người dân và nhà đầu tư”.
“Tôi cho rằng, càng vay ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), vốn nước ngoài thì càng phải thu phí, để lấy tiền đoạn đường này, đầu tư phát triển đoạn đường khác. Một điều cần nói rõ, thu phí là Nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, cụ thể như quy định bán kính được miễn và giảm phí cho dân, mức giảm là bao nhiêu và Nhà nước cần có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để phản ánh rõ hiện trạng đang xảy ra ở các trạm thu phí, để người dân hiểu rõ, có trách nhiệm chung tay với Nhà nước giải quyết khó khăn.
Trao đổi về việc đầu tư các dự án BOT, Chủ tịch Tập đoàn Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh, cho biết: "Cienco 4 là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư BOT, từ năm 2003 với các dự án như cầu Yên Lệnh, đường tránh TP Vinh.... Nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi chắc chắn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng tại các trạm thu phí BOT hiện nay. Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này? Chúng ta phải làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn cho rằng, để tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư BOT thì Nhà nước trước hết phải đảm bảo sự ổn định chính sách, đặc biệt là không hồi tố pháp luật. Đây cũng là quan ngại rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, chia sẻ: “Chúng tôi sợ nhất cái nhìn thiếu công bằng về BOT. Nếu dư luận đánh đồng tất cả đều xấu thì vô hình chung ảnh hưởng đến các nhà đầu tư BOT chân chính”.
Về câu hỏi có tiếp tục làm BOT nữa hay không, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, nếu tìm được những dự án phù hợp thì các nhà đầu tư vẫn làm. Tuy nhiên, sau tất cả những vấn đề về BOT thời gian vừa qua, họ sẽ phải đầu tư thận trọng hơn.
Nghiêm túc kiểm điểm, xử lý vi phạmCác xung đột lợi ích tại trạm BOT thời gian qua mặc dù đã và đang được giải quyết bằng nhiều giải pháp như giảm phí để giảm gánh nặng cho người dân, chủ phương tiện; rốt ráo áp dụng thu phí không dừng; trong đó nhiều giải pháp khá hiệu quả tại một số địa phương. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những bất cập, đưa một chủ trương đúng đến gần dân, hấp dẫn nhà đầu tư, theo nhiều chuyên gia cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới xã hội hóa đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (Nghị quyết 437) về một số nhiệm vụ - giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
Theo đó, để phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Sau đó, tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.
Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP với định hướng nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 437 cũng đặt ra việc hoàn thiện, rà soát tổng thể vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm phí tại tất cả các trạm thu phí BOT và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng...
Để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án hợp tác công tư; trong đó có hình thức BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề ra một loạt giải pháp. Đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để thực hiện giám sát các dự án đầu tư theo hình thức BOT; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư theo hình thức PPP; chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin về dự án đầu tư theo hình thức PPP; công khai, minh bạch thông tin về dự án cần kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử (website) của Bộ Giao thông Vận tải tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn.
“Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt dự án để có thể đi đến quyết định tham gia đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt lựa chọn được những công trình dự án cấp bách, quan trọng có khả năng hoàn vốn tốt để kêu gọi đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.
Song song với các giải pháp trên, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội; nghiên cứu áp dụng thêm nhiều hình thức đầu tư đa dạng hơn, phù hợp đặc thù dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và phù hợp với các thông lệ quốc tế...
Ngoài ra, để tạo sự minh bạch hơn trong thực hiện các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề nghị tất cả các dự án đều phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, không áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung pháp lý về điều chỉnh hình thức đầu tư PPP. Về lâu dài, cần tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tiễn kết hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và ban hành Luật về Đầu tư theo hình thức PPP.
Cũng nhằm tạo sự minh bạch, mới đây nhất, đầu tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm xây dựng, kế hoạch, lộ trình thực hiện đảm bảo cuối năm 2018 sẽ thu phí đường bộ tự động trên tất cả các làn tại các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đến cuối năm 2019, sẽ thực hiện thu phí tự động tại tất cả các trạm thu phí BOT trên phạm vi toàn quốc.
Bài 4: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh