Giao thông tại BOT Cai Lậy thông thoáng, không còn tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Ảnh: Nam Thái/TTXVN |
Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thu phí Trạm BOT Cai Lậy để Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án giải quyết trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn khiến dư luận tại địa phương rất phấn khởi.
Hiệu quả kinh tế Thị xã Cai Lậy là một trong những đô thị trọng điểm phía tây tỉnh Tiền Giang, nơi có tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1 chạy xuyên lòng thị xã. Do tuyến đường qua đô thị hẹp, mật độ lưu thông dày đặc nên thường xuyên tắc ngay nút thắt cổ chai ngã tư Cai Lậy.
Bình thường, cứ mỗi chiều, xe chờ qua nút thắt đậu nối đuôi đông nghịt cả hai phía. Còn những ngày lễ, tết thì dòng xe chờ thông đường kéo dài 3 - 4 km mỗi bên.
Anh Nguyễn Minh, nhà gần ngã tư Cai Lậy cho biết, ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày, chưa kể nguy cơ tai nạn giao thông. Rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do xe đến ngã tư Cai Lậy mất phanh đâm hàng loạt phương tiện đang chờ đèn đỏ phía trước khiến nhiều người chết, bị thương.
Trước nhu cầu đó, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định triển khai dự án tăng cường mặt đường 26,4 km đường, sửa chữa nâng cấp 14 cầu yếu trên đoạn này và xây dựng mới tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài 12,1 km theo hình thức BOT. Tổng mức vốn đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017 hoàn thành đưa vào sử dụng chính thức.
Tại kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa IX từ ngày 5/12/2017 đến ngày 8/12/2017, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay số vụ tai nạn giao thông trên đoạn đường này đã giảm 13 vụ, tương đương giảm 41% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tuyến tránh thị xã Cai Lậy còn góp phần đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn các xã thuần nông: Nhị Quí, Phú Quí, Long Khánh, Thanh Hòa… phía Nam thị xã Cai Lậy. Nhờ con đường này, bà con thuận lợi trong giao thương, mở mang thương mại - dịch vụ, tiêu thụ tốt nông sản hàng hóa..., đời sống kinh tế ngày càng khấm khá.
Bên cạnh việc tạo thu nhập ổn định, nhiều khách phương xa đã biết đặc sản quê hương Tiền Giang bởi những điểm bán trái cây mọc lên trên tuyến đường tránh.
Cuối năm 2017, hai xã Long Khánh và Thanh Hòa (thị xã Cai Lậy) ra mắt xã nông thôn mới, rút ngắn 3 năm so với lộ trình đề ra. Kết quả đó, một phần cũng nhờ kiến thiết hạ tầng giao thông hoàn thiện mà vai trò tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy không thể phủ nhận.
Đường thông thoáng mang lại niềm vui chung không riêng thị xã Cai Lậy mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi trước đây mọi người than thở là “vùng trũng giao thông”.
Tuy nhiên, câu chuyện BOT bắt đầu nóng lên khi Trạm BOT Cai Lậy thực hiện thu phí hoàn vốn theo hợp đồng.
Khi lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng Ngay từ ngày đầu tiên thu phí 1/8/2017, Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã vấp phải sự phản ứng của giới tài xế bằng những hành động như: mua vé bằng tiền mệnh giá thật nhỏ, tiền nhét vào các chai nhựa, thấm nước tiền… Nhiều phương tiện chạy qua, chạy lại trạm nhiều lần cũng với phương thức như vậy, phương tiện đi thành đoàn…, mục đích kéo dài thời gian qua trạm, tạo tình huống ùn tắc, gây hỗn loạn giao thông trên Quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Văn Nam, tài xế quê Cần Thơ là một trong số những người không ủng hộ trạm thu phí với lý do phí thu quá cao và trạm đặt “sai chỗ” bởi đầu tư đường tránh nhưng lại thu phí cả đoạn Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, yêu cầu của giới tài xế là phải dời trạm thu phí vào đúng vị trí đáng lẽ nó phải đặt, đó là trên tuyến tránh Cai Lậy. Ý kiến này được rất nhiều tài xế và cả nhân dân địa phương quan tâm dẫn đến những người đồng tình phản đối ngày càng đông.
Còn theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, đại diện nhà đầu tư, sở dĩ đặt trạm trên Quốc lộ 1 vì dự án đầu tư gồm nhiều nội dung liên quan đến đoạn Quốc lộ 1 hiện hữu chứ không chỉ riêng xây dựng tuyến tránh Cai Lậy mới.
Tuy nhiên, vụ việc ngày càng phức tạp, sự phản ứng ngày càng có chiều hướng quá khích, tạo thành điểm nóng về ùn tắc giao thông và an ninh trật tự nên chỉ qua nửa tháng thu phí, trạm BOT tạm ngưng mọi hoạt động.
Hơn 3 tháng sau khi có phương án giảm phí qua trạm, lúc 9 giờ ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy tái hoạt động trở lại với nhiều thay đổi có lợi cho người và phương tiện lưu thông. Cụ thể giảm khoảng 30% phí cho các phương tiện, miễn và giảm phí cho các chủ phương tiện cư trú trên địa bàn các xã nằm khu vực trạm: Phú Nhuận, Bình Phú, Phú An, Mỹ Thành Nam.
Trước đó, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy đã tổ chức những đợt cao điểm thông tin, tuyên truyền để nhân dân, đặc biệt là giới tài xế hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư BOT mà đồng thuận, ủng hộ.
Ông Chiêm Văn Đơ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Cai Lậy cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng nhà đầu tư và lãnh đạo các xã xung quanh trạm: Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Phú An mở nhiều cuộc họp tuyên truyền, thông tin thu hút hàng trăm lượt tài xế và chủ phương tiện trên địa bàn.
Ngành công an cũng cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đến giúp giải quyết tình hình. Theo Đại tá Trương Văn Sáng, Trưởng Công an huyện Cai Lậy, lực lượng chức năng chỉ đảm bảo an ninh trật tự, không can thiệp trực tiếp công việc trạm.
Tuy nhiên, giới tài xế, người dân vẫn chưa có được sự đồng tình với nhà đầu tư BOT. Nhiều tài xế đã mua vé qua trạm 25.000 đồng bằng đưa 25.100 đồng và đòi nhận lại đúng 100 đồng tiền thừa đã gây tình huống ùn tắc giao thông.
Trả lời báo chí ngay trong giờ đầu tiên hoạt động trở lại, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, lường trước tình hình, nhà đầu tư chọn giải pháp khi ùn tắc giao thông thì xả trạm, lúc ổn định tái hoạt động trở lại. Còn các phương án khác như việc dời trạm vào đường tránh thì nhà đầu tư chưa nghĩ đến.
Tuy nhiên, tình hình ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát, có thời điểm trạm chỉ hoạt động chừng 5 phút là dòng xe ùn ứ, phải xả trạm. Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, chủ yếu người dân và tài xế phản ứng, các doanh nghiệp chưa hề có ý kiến hoặc kiến nghị gì về trạm BOT Cai Lậy bằng văn bản.
Chờ đợi sự minh bạch, công khai
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng trong vụ việc này, địa phương không thể can thiệp. Vì thế, hy vọng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư nhanh chóng vào cuộc để giúp an dân.
Trước tình hình trên, chiều ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ đã họp khẩn với các bộ ngành, địa phương liên quan và chỉ đạo tạm dừng hoạt động trạm BOT Cai Lậy để tìm giải pháp hợp lý, hợp tình nhất. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đưa ra ba phương án dự kiến nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc ở trạm BOT Cai Lậy, tránh sự phản ứng kéo dài gây mất trật tự, trị an.
Hay tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trạm BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí, bà con địa phương và giới tài xế đã tỏ ra rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi nghe các phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra xem xét, nhiều người dân vẫn băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân sinh sống tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy cho biết, ông không phải là tài xế, không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến trạm BOT Cai Lậy nhưng qua theo dõi lâu nay, ông cho rằng chỉ có dời trạm ra đường tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên Quốc lộ 1 hiện hữu, điều tiết phân luồng giao thông là hợp lý nhất.
Anh Lê Văn Hiệp, một tài xế quê ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp bộc bạch: Nếu không dời trạm giới tài xế sẽ còn phản đối. Ngoài ra, các ngành chức năng cần phải công khai tình hình đầu tư tuyến tránh và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, phương án thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn trên tinh thần công khai, dân chủ và dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, đơn vị chấp hành nghiêm chỉ đạo và hướng xử lý của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đã cho nhân viên thu phí, nhân viên bảo vệ tạm nghỉ, chờ quyết định mới.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa IX đã có lời kêu gọi cử tri trong tỉnh nói chung chờ đợi những biện pháp giải quyết vấn đề trạm BOT Cai Lậy tiếp theo của các cấp thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua thông tin từ Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Ông Lê Văn Hưởng khẳng định, đầu tư BOT đường bộ là chủ trương lớn; trong đó, dự án đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tạo chuyển biến theo hướng giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy.
Người dân Tiền Giang và giới tài xế Đồng bằng sông Cửu Long đang mong mỏi Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp cho trạm BOT Cai Lậy một cách khả thi, vẹn cả đôi đường.
Việc này không chỉ “an dân”, giúp doanh nghiệp BOT hoàn vốn đầu tư đồng thời không ảnh hưởng đến chính sách mời gọi, xúc tiến đầu tư không chỉ riêng của tỉnh Tiền Giang mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vốn đang khát khao cất cánh đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa.