Kiểm soát dự án, nguồn thải lớn Năm 2017, Tổng cục Môi trường đã đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường. Đến nay, Tổng cục Môi trường đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường tại 6 khu kinh tế ven biển phục vụ cho việc xây dựng hướng dẫn quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế ven biển; kiểm tra thực tế tại 8 khu công nghiệp để đánh giá việc đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tiến hành điều chỉnh quy mô, quy hoạch, hoạt động trong KCN.
Có 9 khu công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 78%; 16 cụm công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung. Tổng cục đã triển khai hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp quản lý các nguồn nước thải lớn, quản lý ô nhiễm lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai; tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi trường lưu vực sông....
Để kiểm soát từ khi cơ sở sản xuất bắt đầu hình thành, Tổng cục Môi trường đã xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất triển khai nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách áp dụng các công cụ kinh tế để kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc thị trường....
Rác thải tràn vào nước biển thuộc địa phận xã Hải Hà khiến nước có màu đen kịt, phía xa là một nhà máy nằm trong khu công nghiệp cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, năm 2017, Tổng cục đã thực hiện tốt các công tác giám sát ô nhiễm môi trường ở các dự án lớn, có bước chuẩn bị để chuyển từ thế bị động sang chủ động trong công tác kiểm soát để không xảy ra sự cố môi trường. Trong đó, đặc biệt là xây dựng được Đề án về tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục cũng đã có bước lâu dài cho vấn đề phòng ngừa, ứng phó, giải quyết vấn đề môi trường thông qua việc sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đưa ra những quy định để kiểm soát, phòng ngừa sự cố môi trường. Đề án góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự cố môi trường trong tương lai, thực hiện quyết tâm không đánh đổi phát triển kinh tế với hủy hoại môi trường.
Xử lý điểm nóng Năm 2017, Tổng cục Môi trường đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý được hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường. Trong đó, những vụ việc nghiêm trọng như nhiều cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tân Hồng, Hải Dương ồ ạt xả thải khiến sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt; một số tàu hút bùn đất từ cảng biển Nghi Sơn và đổ thải tại vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường biển; khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai gây cá chết hàng loạt…
Hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng được chủ động thực hiện với việc thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, kiểm tra Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An…giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm và vận hành thử của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh...
Việc tiếp nhận, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm tiếp tục được chú trọng, Tổng cục Môi trường đã thiết lập đường dây nóng cấp Trung ương theo số điện thoại và thư điện tử. Đường dây nóng đã thể hiện được ưu thế tiếp cận thông tin nhanh chóng, đa chiều, tuy nhiên, tính đến tháng 12/2017 mới chỉ có 50/206 vụ việc được xử lý. Tổng cục Môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh xây dựng Quy chế tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng.
Đẩy mạnh cảnh báo các nguy cơ
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, để giải quyết các vấn đề môi trường tích lũy, đột xuất, Bộ cần tăng nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết, phức tạp về môi trường, đặc biệt là các hoạt động quan trắc, theo dõi, đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường, cảnh báo kịp thời các dấu hiệu bất thường để chủ động ứng phó với các sự cố; tổng điều tra các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện các bất cập, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Có cơ chế tài chính đặc thù để giải quyết các sự vụ, sự cố môi trường phát sinh đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Tổng cục Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước; triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái nặng; chủ động phối hợp xây dựng đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường; triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020.
Trọng tâm năm 2018 là hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường gồm: Luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi); mạ; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; sản xuất xi măng; sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); lọc hóa dầu; thuộc da; chế biến thủy sản; chế biến mía đường; sản xuất pin, ắc quy; xử lý chất thải.
Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công nghệ lạc hậu, lượng phát sinh chất thải lớn, vị trí đặt dự án nhạy cảm về môi trường. Cách thức kiểm soát là thông qua sự phối hợp của cơ quan quản lý môi trường và chủ dự án trong việc rà soát, đánh giá, xác định nguy cơ gây ô nhiễm và các yêu cầu cần thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự kiến đưa 28 cơ sở công nghiệp vào tầm kiểm soát, trong đó dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã phải chịu sự kiểm soát của Bộ từ tháng 5/2017, các dự án còn lại sẽ phải kiểm soát về môi trường kể từ năm 2018. Hình thức kiểm soát đồng nghĩa với việc phòng ngừa rủi ro.