Nhà máy Tinh bột sắn Ia Pa được xây dựng và thiết kế với công suất 200 tấn củ/ngày. Khi mới đi vào hoạt động, nhà máy này đã gây ra mùi hôi khó chịu cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam, đây chỉ là mùi hôi hữu cơ, không ảnh hưởng đến sức khỏe và nhà máy sẽ sớm khắc phục.
Trạm bơm nước thải của nhà máy xả nước thải chưa xử lý trực tiếp ra suối Pờ Yầu, huyện Ia Pa. |
Nhưng đến thời điểm này, việc xả thải của Nhà máy Tinh bột sắn Ia Pa vẫn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí mức độ còn tăng lên. Tại cánh đồng Chư Gu có hàng chục thửa ruộng bị nhiễm nước xả thải từ nhà máy. Bằng mắt thường có thể nhận thấy, những thửa ruộng bị nhiễm nước xả thải này đều có tình trạng nước màu xanh đậm, sủi bọt và có mùi hôi thối. Không chỉ vậy, hệ sinh thái tự nhiên trong các thửa ruộng này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các sinh vật như ốc, cua… đều đã chết. Nguyên nhân chính của việc nhiễm nước xả thải là do đường ống dẫn nước xả của Nhà máy Tinh bột sắn Ia Pa chạy qua cánh đồng Chư Gu bị rò rỉ.
Gia đình ông Lê Văn Kiên (sinh năm 1977, làng K Liếc B, xã Pờ Tó) có 3 ha đất trồng lúa tại cánh đồng Chư Gu. Đầu tháng 12/2017, ông tiến hành gieo sạ cho vụ đông xuân sắp tới. Do bị nhiễm nước xả thải của Nhà máy mì Ia Pa, nên hơn 2 ha lúa gieo sạ của gia đình ông đã bị chết. Không chỉ vậy, sau khi lội xuống ruộng, nếu không nhanh chóng rửa lại chân tay bằng nước sạch thì sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu. “3 ha lúa một vụ đông xuân mang về cho gia đình tôi được khoảng 80 triệu. Bây giờ lúa gieo sạ chết hơn 2 ha thế này, thì năm nay gia đình tôi không có thu nhập. Lúa chết đi rồi thì chúng tôi cũng không dám gieo sạ lại, vì ruộng đã bị nhiễm nước thải, có gieo xuống nữa thì cũng sẽ bị chết”, ông Kiên bức xúc.
Bể thông gió đường ống dẫn nước thải gây rò rỉ nước thải của nhà máy ra cánh đồng Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. |
Tương tự như gia đình ông Kiên, ông Phạm Văn Quyết (sinh năm 1964, làng K Liếc A, xã Pờ Tó) cũng có 3 ha ruộng tại cánh đồng Chư Gu, có 1,7 ha lúa gieo sạ cũng đã chết do ruộng bị nhiễm nước xả thải từ đường ống dẫn nước thải của Nhà máy mỳ Ia Pa. “Khi lúa bị chết, tôi có gọi điện trực tiếp cho giám đốc nhà máy là ông Huỳnh Văn Trung xuống kiểm tra, xử lý, thì bên phía công ty nói là bình thường. Lúa chết ở mùa này thì đã xảy ra rồi, nhưng ảnh hưởng lâu dài của việc rò rỉ nước xả thải là những thửa ruộng bị nhiễm sẽ không thể canh tác được nữa”, ông Quyết cho biết.
Quá bức xúc, ngày 28/11/2017, các hộ dân canh tác trên cánh đồng Chư Gu đã cùng ký vào một lá đơn kiến nghị gửi lên UBND xã Pờ Tó yêu cầu làm rõ, xử lý vụ việc, đồng thời nhà máy cần có hướng giải quyết, đền bù cho người dân với tổng diện tích bị nhiễm nước xả thải là 21 ha. Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, UBND xã Pờ Tó đã làm việc với Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Trung – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nguyên nhân khiến việc ô nhiễm xả thải của nhà máy là do đơn vị này vừa nghiệm thu công trình xả thải, không tránh khỏi những thiếu sót. Ông Trung cũng cam kết trong vòng một tuần, đơn vị này sẽ khắc phục và xử lý tình trạng ô nhiễm, đồng thời hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người dân.
Hơn 20 ha lúa trên cánh đồng Chư Gu bị chết do nhiễm nước xả thải từ Nhà máy Tinh bột sắn Ia Pa. |
Có mặt tại xã Pờ Tó sáng 30/11, phóng viên TTXVN ghi nhận việc rò rỉ nước xả thải ra cánh đồng đã được khắc phục, nhưng mức độ ô nhiễm không có dấu hiệu suy giảm. Tại trạm bơm xả thải cách Nhà máy tinh bột sắn Ia Pa khoảng 1,5 km, nước vẫn được bơm xả, nổi bọt trắng và dễ dàng nhận thấy mùi hôi thối lên. Nghiêm trọng hơn, dòng nước này lại được đổ trực tiếp vào suối Pờ Yầu là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trước khi đổ ra sông Ba.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết, chủ trương của huyện là luôn thu hút đầu tư các dự án để phát triển kinh tế, đặc biệt như nhà máy tinh bột sắn, hỗ trợ nông dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy vậy, huyện luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.
“Khi Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam về đặt nhà máy tinh bột sắn tại huyện, chúng tôi cũng đã yêu cầu đơn vị này phải đảm bảo về mặt xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo nhà máy cũng đã cam kết. Chúng tôi sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để xét nghiệm mẫu nước cũng như đưa ra hướng xử lý thích hợp. Về mặt ảnh hưởng lâu dài và hệ sinh thái của khu vực sẽ xem xét và kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, yêu cầu nhà máy tinh bột sắn phải ngừng xả thải cho đến khi xử lý được các chất thải, đồng thời phải có hướng đền bù, hỗ trợ cho người dân canh tác trên phần đất đã bị nhiễm chất thải”, ông Hương nhấn mạnh.