UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Công ty khắc phục tồn tại, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên nước; dừng xả nước thải ra môi trường; không được đưa Nhà máy vào hoạt động sản xuất khi chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sa Thầy, UBND xã Sa Nhơn theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của Công ty. Nếu phát hiện Nhà máy vẫn hoạt động sản xuất thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh để xử lý.
Trước đó, cuối năm 2017, qua kiểm tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã phát hiện trong quá trình vận hành thử nghiệm, nhà máy chế biến mủ cao su trên có nhiều sai phạm như: chưa báo cáo UBND tỉnh cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư; bổ sung dòng thải phát sinh mà không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (nước làm mát, nước ngấm từ các hồ xử lý nước thải do một số vị trí bị nứt); tự ý tổ chức vận hành dây chuyền sản xuất mủ tạp trong khi chưa đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất;
Cho nhà máy hoạt động thử nghiệm khi hết thời gian đăng ký; xả thải ra môi trường khi chưa có giấy phép; không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; chưa chấp hành các chủ trương của UBND tỉnh về đầu tư hệ thống xử lý nước thải loại A và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nhà máy.
Việc Nhà máy chế biến mủ cao su ngay trong quá trình hoạt động thử nghiệm đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Nhiều cử tri đã có ý kiến về vụ việc trên...