Tấm lòng của những cựu chiến binh với đồng đội đã hy sinh

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương của chiến tranh để lại vẫn còn. Hơn ai hết, hiểu rõ những nỗi đau mất mát của gia đình các thân nhân liệt sỹ, nhiều cựu chiến binh ở Quảng Trị vẫn ngày đêm cần mẫn thu thập tư liệu, thông tin, giúp các gia đình tìm kiếm hài cốt người thân…

Thầm lặng một tấm lòng


Mặc dù giờ đây đã tuổi cao sức yếu nhưng cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hữu (sinh năm1954), thôn Mai Đàm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vẫn không ngại gian khổ, luôn tận tâm giúp đỡ các thân nhân liệt sỹ đi tìm hài cốt.


Quảng Trị trong chiến tranh là chiến trường với những trận đánh ác liệt diễn ra, đặc biệt, trận đánh 81 ngày đêm lịch sử Thành Cổ đỏ lửa năm 1972 đã đi vào lịch sử. Với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rất nhiều người con trên khắp mọi miền đất nước đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất này.


Năm 1972, ông Hữu xung phong tham gia dân quân du kích ở vùng B của huyện Hải Lăng, trong đó nhiệm vụ chính là dẫn các đơn vị bộ đội tiến vào trận địa Thành Cổ. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết hơn ai hết ông hiểu được sự hy sinh to lớn của những đồng đội đã ngã xuống cho mảnh đất này.


Sau chiến tranh, ông về công tác tại Ủy ban nhân dân cách mạng xã Hải Lâm với chức vụ Ủy viên thư kí. Cũng từ đó, công tác tìm kiếm thông tin, cất bốc hài cốt liệt sỹ của ông được ông thực hiện cho đến ngày hôm nay. Những địa danh như: Phẫu 2, Phẫu 3, vùng Tròn, đường 15, K4, đòi Thám Báo, chân đồi 367, khe Cỏ May, đồi Khẩu Súng, đường Tăng, Bược Lở… là những nơi ông Hữu đã đặt chân đến để tìm hài cốt liệt sỹ. Vất vả gian khổ nhưng với tấm lòng tri ân những người đã ngã xuống ông không quản ngại khó khăn để thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.


Ông Hữu chia sẻ: Ông nhớ mãi trường hợp của gia đình liệt sỹ Hưng, quê ở Đông Anh, Hà Nội hy sinh tại địa bàn xã Hải Lâm, Quảng Trị vào tháng 3/1972. Chị Thảo người vợ của liệt sỹ Hưng đã khăn gói vào đây tìm kiếm mộ chồng. Suốt 20 năm trời, chị Thảo đi tìm chồng trên khắp mảnh đất Quảng Trị. Căn cứ vào lời kể của đồng đội liệt sỹ, ông và các thành viên trong đoàn tìm kiếm xác định sơ đồ vị trí liệt sỹ Hưng hy sinh và nơi chôn cất. Sau nhiều tháng liền ròng rã, cuối cùng căn cứ vào kỷ vật mà liệt sỹ để lại cùng với kết quả xét nghiệm ADN, gia đình đã đưa hài cốt liệt sỹ về quê hương Đông Anh…


Suốt nhiều năm liền gắn liền với công tác tìm kiếm thông tin cũng như cất bốc hài cốt liệt sỹ, ông Hữu đã thực hiện việc kết nối nguồn tin của người dân và các đơn vị tìm kiếm để giúp đỡ gần 100 thân nhân gia đình liệt sỹ tìm kiếm được hài cốt người thân. Hơn 40 năm qua, ngôi nhà của ông cũng là ngôi nhà chung đón tiếp và giúp đỡ không biết bao nhiêu thân nhân liệt sỹ. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, thế nhưng đối với người cựu binh, tình nghĩa và tấm lòng tri ân đối với đồng đội không bao giờ vơi cạn. Tài sản quý giá nhất của ông đó chính là những lá thư cảm ơn của các gia đình liệt sỹ.


Hành trình không dừng lại


Cũng như ông Hữu, cựu chiến binh Võ Ngọc Các (sinh năm 1954), phường Đông Lương, thành phố Đông Hà là một người nặng lòng, tâm huyết với công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Năm 1972, ông Các là chiến sỹ trinh sát an ninh vũ trang Quảng Trị tham gia chiến đấu tại địa bàn huyện Triệu Phong. Ông chia sẻ: “Từng tham gia chiến đấu, tận mắt chứng kiến đồng đội bên cạnh ngã xuống chúng tôi không thể nào thờ ơ được khi đồng đội mình còn ở đâu đó giữa cánh đồng hay nơi rừng núi hoang vu. Đối với tôi, ngày nào còn sống thì hành trình đi tìm đồng đội của tôi còn chưa thể dừng lại…”.


Với tâm huyết và trách nhiệm của mình, ông Các đã tìm kiếm và xác định được 7 liệt sỹ cũng như cung cấp thông tin cho nhiều gia đình và đơn vị đi tìm kiếm. Hành trang của ông là một ba lô cũ cùng vài bộ áo quần, danh sách dài tên các liệt sỹ cùng tấm bản đồ chiến tuyến năm xưa. Đối với người cựu chiến binh già sức khỏe và tuổi tác vẫn không ngăn cản được ý chí và quyết tâm của ông.


Ông Võ Ngọc Các chia sẻ: "Trăn trở lớn nhất của tôi bây giờ chính là trường hợp của 2 liệt sỹ tìm thấy tại nhà máy xí nghiệp gạch tuy nen Ái Tử. Chúng tôi đã xác định được tên tuổi và đơn vị của 2 liệt sỹ thông qua bia mộ và di vật còn lại, tuy nhiên vì một số lý do đến nay vẫn chưa cất bốc về nghĩa trang liệt sỹ. Đặc biệt, trong đó mộ liệt sỹ Phạm Văn Thịnh là người đồng đội trực tiếp chiến đấu với tôi trong những năm kháng chiến đã tìm được rồi nhưng vẫn chưa đưa anh về được, tôi day dứt vô cùng. Tôi mong rằng cơ quan chức năng xác minh, quan tâm, di dời hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang để tiện khói hương, chăm sóc…”.


Chủ tịch Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972 Lê Xuân Tánh cho biết: Hai cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Hữu và Võ Ngọc Các là những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của Hội trong công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ. Hai ông luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, có tâm huyết với đồng đội, tự nguyện cống hiến sức lực, thời gian và tiền bạc của bản thân để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Việc làm của ông Hữu, ông Các và nhiều cựu chiến binh nữa đang góp phần làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.


Thanh Thủy (TTXVN)
Còn khoảng 200.000 hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ
Còn khoảng 200.000 hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ

Đó là con số được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cung cấp cùng với đề nghị lập ngân hàng gien để lưu trữ những mẫu sinh vật phục vụ cho việc xác định danh tính liệt sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN