Con bạch tuộc đã cắn cháu Bắc. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Theo bác sỹ Khuông, bệnh nhi Trần Văn Bắc (6 tuổi) nhập viện vào sáng 3/7, trong tình trạng khó thở, nổi mề đay, nôn ói, ngứa nhiều. Sau khi hội chẩn nhanh, các y, bác sỹ đã tiến hành bơm tim, cho thở oxy, truyền dịch và tiêm thuốc chống sốc cho bệnh nhi.
Các bác sĩ cũng nhận định, bệnh nhi có biểu hiện khó thở, huyết áp bằng 0 là do bị dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ. Nhờ được cấp cứu, xử lý kịp thời theo phác đồ sốc phản vệ, bệnh nhi đã qua tình trạng nguy kịch.
Cháu Trần Văn Bắc đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải . Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Bác sỹ Nguyễn Hùng Mộng, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức - Tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hải cho biết thêm, trường hợp sốc phản vệ của bệnh nhi Bắc là rất nặng, nếu nhập viện muộn sẽ khó giữ được tính mạng.
Trước đó, vào sáng 3/7, cháu Bắc cùng mẹ là chị Tăng Thị Thùy (ấp Đồng Giác, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đi thăm đáy (một dụng cụ đánh bắt thủy sản) được đặt ở gần cửa sông Gành Hào.
Trong lúc đổ đáy, cháu Bắc thấy con bạch tuộc bò ra xuồng liền đưa tay bắt và đã bị bạch tuộc cắn. Mẹ cháu Bắc đã gỡ con bạch tuộc ra và tiến hành cầm máu cho cháu. Ngay sau đó, Bắc bị co giật, nôn ói, toàn thân tái tím, khó thở và đã được đưa đi cấp cứu.
Theo một số ngư dân, thời gian gần đây, bạch tuộc xuất hiện nhiều ở khu vực cửa sông, cửa biển Gành Hào. Nhiều người đã bị bạch tuộc cắn.
Để không bị tai nạn như cháu Bắc, mọi người cần hết sức cẩn thận, không để bị bạch tuộc cắn, gây dị ứng nặng.