Ông Đỗ Trọng Hiệp cho hay, Ban Quản lý dự án 3 đã làm việc với các nhà thầu để lên kế hoạch và sửa chữa. Hiện công tác khảo sát đánh giá để tiến hành sửa chữa đã được bắt đầu từ ngày 10/12 vừa qua. Đợt sữa chữa này sẽ tiến hành cào phẳng khoảng 24.000m2 (những đoạn hằn lún dưới 2,5 cm - mức Bộ Giao thông Vận tải cho phép chưa phải sửa chữa) và sẽ tiến hành sửa chữa mặt đường theo hình thức cào bóc tái chế khoảng trên 10.000 m2).
Hình minh họa. Ảnh: TTXVN |
“Việc sửa chữa đã có sự bàn bạc thống nhất giữa Ban Quản lý dự án với các nhà thầu, các bên đã thống nhất sau khi sửa chữa mặt đường sẽ kéo dài thời gian bảo hành thêm 1 năm (theo hợp đồng, thời gian hết bảo hành gói 9, 10 của dự án sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 5 sẽ hết vào tháng 4/2017)”, ông Hiệp khẳng định và cho biết thêm “Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo kéo dài bảo hành. Ban Quản lý dự án 3 sẽ có văn bản thể hiện nội dung kéo dài thời gian bảo hành giữa các bên để có cơ sở soát xét sau này. Hiện tại Ban vẫn giữ lại 5% tiền bảo hành công trình (tương đương khoảng 12 tỷ đồng) của các nhà thầu”.
Đặc biệt, khi tiến hành sửa chữa, Ban Quản lý dự 3 sẽ mời đại diện Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi, đơn vị sẽ tiếp nhận bàn giao đoạn tuyến đường này) chứng kiến và xác nhận vị trí cũng như chất lượng đoạn tuyến - ông Hiệp cho biết.
Về vấn đề chọn vật liệu nào thi công để đảm bảo không tiếp tục bị hằn lún mặt đường, ông Hoàng Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty Infrasol (một trong hai nhà thầu thi công gói thầu 9,10) cho hay: Đây là dự án thí điểm thực hiện theo công nghệ cào bóc tái chế. Cụ thể, khi bắt đầu triển khai năm 2013, Infrasol cào bóc mặt đường hiện hữu, nghiền nhỏ, trộn phụ gia để làm lớp móng và thảm thêm lớp mặt bằng bê tông nhựa asphalt.
“Theo hợp đồng, chúng tôi phải bảo hành và đã bảo hành nhiều lần. Hiện nhà thầu phụ đơn vị trực tiếp thảm (Công ty DMD) đã bị lỗ nặng tại dự án này. Vì thế, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn một cấp phối chuẩn để tránh thảm rồi lại hỏng như trước đây” - ông Hội nói.
Về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 cho biết, Ban Quản lý dự án 3 đã có hướng dẫn các nhà thầu lựa chọn vật liệu thi công đoạn tuyến này. Tuy nhiên, để lựa chọn vật liệu là bê tông nhựa đường hay là nhựa đường polime phải đợi sau khi tiến hành cào bóc xong lớp mặt và có kết quả đánh giá cụ thể thì nhà thầu và Ban mới quyết định xem lựa chọn vật liệu nào để thi công.
Trao đổi với ông Tăng Quang Triều, Hạt phó Hạt 2 (Công ty cổ phần Sửa chữa và Quản lý Đường bộ 240- đơn vị đang thực hiện quản lý bảo trì Quốc lộ 5) cho biết, hiện các nhà thầu đang tiến hành sửa chữa những đoạn bị hư hỏng nặng thuộc gói thầu 9,10.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông để tổ chức phân luồng tại những đoạn tuyến sữa chữa, đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối trong thi công và tránh ùn tắc giao thông”, ông Triều cho hay.
Trước đó, ngày 5/12, Thông tấn xã Việt Nam đã có bài “Sắp hết thời gian bảo hành, Quốc lộ 5 vẫn sửa chữa “chắp vá” phản ánh tình trạng chậm trễ sửa chữa Quốc lộ 5 (đoạn từ Km 76 – Km 92) thuộc 2 gói thầu số 9, 10 của dự án cải tạo Quốc lộ 5 do Liên danh Cienco1-Hall Brother và Công ty TNHH Infrasol thi công theo công nghệ cào bóc, tái chế cách đây gần 3 năm.