Rà soát, ưu tiên xóa 500 ‘điểm đen’ tai nạn giao thông

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang rà soát và ưu tiên dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay khoảng 500 điểm ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông.

Gần 800 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông 

Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Vụ TNGT nghiêm trọng trên đèo Lò Xo ngày 1/3 mới đây khiến xe khách BKS 90B – 500.32 lao xuống vực sâu 100m, qua điều tra nguyên nhân, ngoài việc chủ xe có quá nhiều hành vi phạm luật giao thông như: Không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có phù hiệu, kinh doanh vận tải trái phép, không chấp hành luật... còn gióng hồi chuông báo động về các điểm đen TNGT lâu nay chưa được xử lý dứt điểm, trở thành nỗi ám ảnh của lái xe và hành khách.

Đáng nói là dù được đầu tư, sửa chữa thường xuyên, nhưng đoạn đèo Lò Xo dài khoảng 30 km từ huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đến huyện Đăk Glei (Kon Tum) này là một “điểm đen” do độ dốc lớn, đường quanh co liên tục và sương mù quanh năm, nên đã xảy ra hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản từ trước đến nay. Cho đến sau vụ tai nạn này, tỉnh Kon Tum mới đề xuất Bộ GTVT phương án đầu tư tuyến đường tránh đèo Lò Xo để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế TNGT. Trong khi chờ đợi các phương án khả thi nhằm xóa bỏ điểm đen này, tỉnh Kon Tum khuyến cáo lái xe, phương tiện khi lưu thông qua khu vực tuân thủ tuyệt đối luật giao thông.

Hay quốc lộ (QL) 4B qua tỉnh Lạng Sơn dài 80 km, nhưng có đến 8 "điểm đen" thường xuyên xảy ra TNGT. Đây là đoạn đường cong, bán kính nhỏ và khuất tầm nhìn. Nhiều phương tiện không chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát, nên khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, nếu trường hợp đó gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra.


Tương tự, trên QL1B có 9 "điểm đen" TNGT chưa được xử lý và 20 vị trí tiềm ẩn TNGT. Thống kê cho thấy, trên tuyến đường này đã xảy ra hàng chục vụ, với hàng chục người chết và bị thương. Bên cạnh ý thức chủ quan của người tham gia giao thông còn một nguyên nhân khác đó chính là việc bố trí hạ tầng giao thông chưa hợp lý. Dọc theo tuyến đường, có nhiều điểm cua gấp, đường cong bán kính nhỏ, nguy hiểm, khuất tầm nhìn và chạy qua khu dân cư…

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hệ thống quốc lộ hiện còn gần 800 điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, trong đó có 230 "điểm đen"; cần nguồn kinh phí trên 2.000 tỷ đồng để khắc phục, xóa bỏ. 

Thông tư 26 của Bộ GTVT cũng đã nêu rõ, tiêu chí xác định "điểm đen" là căn cứ vào số vụ TNGT xảy ra trong một năm. Theo đó, một điểm được coi là "điểm đen" TNGT mỗi năm xảy ra 2 vụ TNGT có người chết hoặc 3 vụ TNGT trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết hoặc 4 vụ TNGT trở lên nhưng chỉ có người bị thương.

Xóa 500 "điểm đen" nguy hiểm, cấp bách 

Một điểm tiềm ẩn TNGT trên QL5 đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia

Theo ý kiến của các chuyên gia, TNGT xảy ra phụ thuộc vào 4 yếu tố: Điều kiện đường, con người, phương tiện, môi trường dân cư. Việc tập trung xóa "điểm đen" là xóa những yếu tố tiềm ẩn TNGT. Song, phải nhìn nhận rằng, những vụ TNGT xảy ra gần đây, nhất là với xe khách đường dài đều xuất phát từ người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xóa "điểm đen" chỉ là hỗ trợ, chứ không phải xóa "điểm đen" sẽ hết tai nạn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2018, Tổng cục sẽ rà soát, ưu tiên dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay khoảng 500 "điểm đen" có tính chất nguy hiểm, cấp bách. Quan điểm của Tổng cục là kiên quyết xử lý các "điểm đen", vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Các Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT được quản lý ủy thác đang rà soát, đánh giá chính xác nguyên nhân các vụ tai nạn xem có xuất phát từ các "điểm đen", để làm cơ sở đề xuất biện pháp xử lý.

“Với các điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi kinh phí đầu tư khắc phục lớn, trước mắt sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản”, ông Huyện cho hay.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Đề xuất phương án đầu tư tuyến đường tránh đèo Lò Xo đảm bảo an toàn giao thông
Đề xuất phương án đầu tư tuyến đường tránh đèo Lò Xo đảm bảo an toàn giao thông

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực đèo Lò Xo nằm trên trục đường Hồ Chí Minh kết nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng… là điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN