Là con sông lớn thứ 2 tại Phú Yên (sau sông Ba), sông Kỳ Lộ chảy qua các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, thị trấn La Hai và các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân rồi nhập về sông Cái huyện Tuy An. Do bắt nguồn từ các dãy núi cao nên sông có độ dốc lớn tập trung nước nhanh vào mùa mưa, thường xuyên gây sạt lở, lũ quét và ngập úng nặng, nhiều vị trí sạt lở bờ sông có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản, đất sản xuất, hạ tầng thiết yếu của nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, do lòng sông bị cát bồi lấp thường kiệt nước vào mùa khô, không thoát lũ kịp vào mùa mưa, gây ngập úng tại nhiều địa phương.
Theo quan sát của phóng viên, đoạn sông Kỳ Lộ chảy qua khu vực hai thôn Long Hà, Long An, thị trấn La Hai giữa lòng sông nổi lên những cồn cát, dòng chảy bị thay đổi tác động về phía bờ tả, gây sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất của các hộ dân dọc tuyến sông. Những diện tích đất này trước đây người dân trồng đậu, bắp nhưng hiện nay đang bị thu hẹp dần, nhiều hộ không dám gieo trồng vị sợ mưa xuống cây trồng và đất bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Chỉ tay về điểm sạt lở khu vực bờ tả, ông Đinh Văn Muộn, khu phố Long Hà cho biết, lòng sông Kỳ Lộ trước đây sâu từ 4-5m nhưng qua nhiều năm bị bồi lấp, bây giờ mực nước chỉ duy trì đến đầu gối người. Một số vị trí lòng sông cao hơn khu vực đất sản xuất của bà con. Mỗi mùa nước lũ, lòng sông lại bị phá rộng ra, có nơi ăn sâu vào đất sản xuất tới hơn 20m, gây ngập úng vào khu dân cư.
“Hai thôn Long Hà, Long An trước đây không bị ngập do nước lũ nhưng hiện nay cứ mưa lớn là bị ngập úng. Mỗi mùa mưa bão gia đình tôi đều phải di chuyển lúa, gia súc đi nơi khác. Tôi mong rằng sông Kỳ Lộ qua thị trấn La Hai được nạo vét, xây kè chỉnh trị dòng để người dân yên tâm sản xuất, không còn cảnh chạy lũ trong đêm”, ông Đinh Văn Muộn nói.
Tại hai thôn Tân Phú, Tân An, xã Xuân Sơn Nam, hàng chục ha đất trồng mía, mì (sắn) của các hộ dân trong thôn đã bị cát bồi, phần lớn diện tích này đang phải bỏ hoang. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Tân Phú lo lắng, gia đình ông có hơn 1ha đất màu trồng sắn, mía, cây ăn quả dọc sông Kỳ Lộ nhưng 40% diện tích đã bị cát bồi lấp phải bỏ hoang. Các cồn cát này không thể sản xuất được, khiến nước lũ thoát chậm trong mùa mưa. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng cát bồi lấp, có hệ thống đê kè bảo vệ bờ sông, nếu không nông dân sẽ không còn đất sản xuất.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Sơn Nam Hồ Văn Tá cho biết, tình trạng đất sản xuất của người dân bị cát từ sông Kỳ Lộ bồi lấp bắt đầu từ đợt lũ lịch sử năm 2009. Đến nay, qua nhiều lần bồi lấp đã có gần 90 ha đất trồng mía của 300 hộ dân hai thôn Tân Phú và Tân An đang bị cát bồi lấp, lượng cát dày lên đến hơn 1m.
Trước đây, Tân Phú và Tân An là những vùng đất màu, người dân trồng cây mía cho năng suất, chất lượng tốt nhưng hiện nay người dân phải bỏ đất, một số hộ phải chuyển đổi nghề hoặc đi nơi khác làm ăn, ông Hồ Văn Tá cho biết thêm.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân, các vị trí thường xuyên xảy ra xói lở, làm thay đổi dòng chảy dọc theo sông Kỳ Lộ gồm: Đoạn Bà Đài qua xã Phú Mỡ; trạm bơm điện Mỏ Cày, xã Xuân Quang 1; xóm Thác Đài, xóm Trường, Vực Miễu, Gò Cốc, xã Xuân Quang 2; khu phố Long Hà, Long An, thị trấn La Hai…Tổng diện tích bị xói lở khoảng hơn 100ha.
Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư các tuyến kè chống xói lở dọc sông Kỳ Lộ qua các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam. Trước mắt, huyện đề xuất sớm được đầu tư tuyến kè chống xói lở vị trí thường xuyên bị bồi lấp, xói lở nguy hiểm với chiều dài hơn 2.000m từ cầu sắt La Hai đến khu phố Long An, thị trấn La Hai, vị trí này ảnh hưởng trực tiếp nhà ở của 87 hộ dân và 14ha đất sản xuất nông nghiệp thị trấn La Hai.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh cho biết, tình trạng lòng sông Kỳ Lộ bị bồi lấp khiến mực nước sông dâng cao gây ngập úng, sạt lở vào mùa mưa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân sông dọc hai bên bờ sông. Ngoài phải đầu tư xây dựng các tuyến kè, huyện mong muốn được cho phép nạo vét cát, chỉnh trị dòng sông, góp phần giảm mực nước dâng cao, giảm mức độ thiệt hại của nước lũ đến sản xuất của người dân.
“Nguồn cát sau nạo vét tận dụng tạo nguồn thu để xây dựng các công trình kè chống xói lở đã bố trí trong quy hoạch như kè Xuân Sơn Nam, kè thôn Long An, thị trấn Chí Thạnh. Đây cũng là phương án quan trọng nhằm chỉnh trị dòng sông ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống, sản xuất của người dân", ông Phạm Trung Chánh nhấn mạnh.