Đây là một việc làm ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ) cho biết, thực hiện chính sách người có công, những năm qua, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của đông đảo tầng lớp nhân dân, các tổ chức, ban, ngành, góp phần nâng cao đời sống của một bộ phận người có công với cách mạng, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 8.500 hộ người có công đã được nhận hỗ trợ, trong đó gần 3.900 hộ được hỗ trợ xây mới và hơn 4.500 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với tổng số kinh phí hơn 246 tỷ đồng. Ngoài ra, số hộ người có công theo Đề án được phê duyệt, thẩm tra nhưng chưa được hỗ trợ còn hơn 1.800 hộ, gồm hơn 1.000 hộ xây mới và 860 hộ sửa chữa. Trong đó, có hơn 1.000 hộ có tên trong Đề án không đủ điều kiện hỗ trợ, 262 hộ có tên trong Đề án không có nhu cầu hỗ trợ, 276 hộ xin lùi thời gian hỗ trợ… Đến đầu năm 2020, theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành, thị, toàn tỉnh còn 277 hộ cần hỗ trợ phát sinh ngoài Đề án được phê duyệt, thẩm tra.
Ngoài chương trình hỗ trợ nhà cho người có công theo Quyết định số 22 còn nhiều chương trình khác như: Nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, các dự án tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cho người có công trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lạc, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập - thân nhân của 2 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ, chồng con thường xuyên đau ốm nên nhiều năm gia đình bà không thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Bởi vậy, niềm vui được ở trong ngôi nhà kiên cố thay thế ngôi nhà tạm là mơ ước lớn đối với gia đình. Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 40 triệu đồng cộng với tiền của người thân giúp đỡ, gia đình bà Lạc đã xây được ngôi nhà rộng rãi, sạch đẹp. Bà Lạc phấn khởi, động viên các con chịu khó làm ăn để gia đình có cuộc sống ấm no.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, từ năm 2013 đến nay, việc thực hiện Quyết định số 22 trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành theo đúng quy trình, hướng dẫn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng đơn thư kiến nghị. Qua quá trình rà soát cho thấy, các gia đình có công với cách mạng đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không thể tự sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc quan tâm đến đời sống người có công với cách mạng.