Phát triển giao thông nông thôn ở Hà Nội - Bài 1: Hiệu quả thấp vì thiếu đồng bộ

Thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, việc huy động nguồn xã hội hóa ở vùng xa, vùng sâu gần như là điều không tưởng... là những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn Hà Nội.

Với nhiều cố gắng, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư tạo diện mạo mới cho GTNT khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân, giảm chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Để giải bài toán phát triển hệ thống giao thông cho Thủ đô, những năm qua, việc đầu tư phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn thành phố được gắn liền với Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, tập trung vào hệ thống các đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng, tạo diện mạo mới cho hệ thống giao thông trong khu vực. Thế nhưng việc huy động xã hội hóa đầu tư còn nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ và hiệu quả đầu tư chưa đạt so với yêu cầu thực tế.

Diện mạo mới

Trục giao thông liên xã ở Cổ Đô, huyện Ba Vì. Ảnh: XM

Hà Nội có hơn 17.000 km đường GTNT, gồm 4 loại: Đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn; đường ngõ xóm và đường nội đồng. Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã đầu tư cứng hóa được 95% đường trục xã, liên xã và 87,4% đường trục thôn; 87% đường ngõ, xóm được bê tông hóa; 40% đường trục chính nội đồng được cứng hóa.  Kết quả này đã mang lại cho "bộ mặt" hệ thống giao thông nông thôn những nét khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ngoại thành. Tuy nhiên với yêu cầu phát triển trong tình hình mới việc phát triển giao thông nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), hệ thống giao thông nông thôn còn thiếu đồng bộ, một số hệ thống đường mặt cắt ngang còn nhỏ, thiếu hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông (sơn, cọc tiêu, biển báo,…), thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Hệ thống đường nội đồng được cứng hoá bằng cấp phối, trước mắt đáp ứng phát triển kinh tế, dân sinh nhưng giai đoạn tiếp theo cần phải tiếp tục nâng cấp. Nhiều địa phương đầu tư phát triển GTNT theo hiện trạng chứ chưa thực hiện theo quy hoạch. Chính vì vậy, về lâu dài vẫn phải tiếp tục đầu tư để đáp ứng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Mặt khác, việc đầu tư phát triển hệ thống GTNT còn thiếu đồng bộ, mới chỉ tập trung vào việc đầu tư nâng cấp hệ thống đường, chưa tập trung vào đầu tư xây dựng mới, xóa bỏ các cầu yếu, cầu tạm. Do vậy sẽ hạn chế hiệu quả chung của hệ thống. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, duy tu duy trì trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã được các địa phương quan tâm, nhưng vẫn chưa được tập chung và thường xuyên.

Huy động nguồn lực đầu tư

Trong số các tiêu chí nông thôn mới, giao thông là tiêu chí cần vốn đầu tư lớn nhất, đặc biệt là giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng. Đây được coi là một trong những tiêu chí khó vì cần nguồn lực lớn. Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa. Đến nay, toàn thành phố có 333/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, còn lại 53 xã chưa đạt.

Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: hanoimoi

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn thành phố Hà Nội trong thời gian tới vẫn tiếp tục thực hiện gắn liền với chương trình số 02-CTr/TU, ngày 29/8/2011 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015”; trong đó đã được UBND Thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 về việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, nhu cầu vốn để thực hiện tiêu chí 2 về giao thông giai đoạn 2016-2020 là hơn 9.323 tỷ đồng. Việc duy tu hệ thống đường giao thông huyện, xã, ngõ, xóm, nội đồng từ nguồn kinh phí do các địa phương chủ động cân đối thực hiện.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”  huy động thêm nguồn lực trong dân,  đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông địa phương. Ưu tiên dành vốn ODA, ngân sách địa phương để phát triển GTNT gắn kết với công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tập trung hơn vào hệ thống đường nội đồng với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Những vấn đề cần quan tâm

Theo Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Vũ Hoàng, hiện nay, hệ thống đường GTNT ở Thủ đô vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp lớn do mặt cắt đường còn hẹp, xe ô tô vận tải không đi vào được, phải trung chuyển, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, trong quá trình đầu tư xây dựng đường GTNT thuộc chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để có hệ thống đường giao thông đáp ứng đa mục tiêu.
 
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch nông thôn mới, gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập môi trường cảnh quan mới, đáp ứng được thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập và phát triển bền vững. Rà soát thay thế các cầu yếu, các cầu dân sinh; nghiên cứu bổ sung hệ thống an toàn giao thông; bổ sung hệ thống thoát nước, tổ chức giao thông kết nối với đường trục xã, đường huyện, đường tỉnh, đường quốc lộ, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị với các khu vực dân cư có quy hoạch đô thị,...

Đồng thời tập trung nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác xây dựng cũng như bảo trì giao thông nông thôn. Tăng cường sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, mạnh dạn đưa các vật liệu thay thế các nguyên vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường, giá thành hợp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Đối với các kết cấu kiên cố cần chú trọng áp dụng cơ giới hóa để đảm bảo chất lượng công trình. Các địa phương cần tập trung hơn cho việc quản lý, duy tu hệ thống đường GTNT, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý, bảo trì và có kế hoạch dành ngân sách cho duy tu, duy trì; tuyên truyền trong nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nhằm phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.

Bài 2: Những cây cầu chờ 'giải cứu'

Tuyết Mai (TTXVN)
Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo
Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo - Nhìn từ góc độ nguồn vốn ODA" nhằm thu thập ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng phát triển giao thông nông thôn hiện nay cũng như những vấn đề đặt ra đối với phát triển giao thông nông thôn trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN