Hà Nội phát triển giao thông nông thôn

Thời gian qua, nhiều địa phương tại Hà Nội đã hỗ trợ và huy động nguồn lực xã hội để bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, kết hợp với kênh mương nội đồng.


Những điểm sáng...


Những tuyến đường ngõ xóm của xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành, tạo bộ mặt nông thôn sạch đẹp, đi lại thuận lợi. Gia đình ông Nguyễn Trọng Tý (thôn Tháp Thường) đã sẵn sàng lùi vào gần 1 m để mở đường trục thôn cho rộng rãi hơn. Ông Nguyễn Trọng Tý cho biết: “Khi mở tuyến đường, người dân trong thôn, xóm đã họp bàn dân chủ, hạch toán cụ thể chi phí và khả năng đóng góp của mọi người. Nhà nước hỗ trợ vật tư, còn dân góp công, nên chỉ trong 1 tháng, tuyến đường các thôn đã hoàn thành”.

Tuyến đường trục giao thông liên xã Cổ Đô.


Từ năm 2011, huyện Đan Phượng đã ban hành chính sách hỗ trợ 29% kinh phí xây dựng đường giao thông xóm ngõ. Để đẩy nhanh tiến độ làm đường xóm ngõ, năm 2012, huyện còn ứng trước 100% nguyên vật liệu xây dựng, thành lập các tổ tư vấn về từng xã hỗ trợ thiết kế. “Trên cơ sở thiết kế, người dân từng thôn thảo luận, huy động nhân công và giám sát thi công. Nhờ đó, huyện đã hoàn thành 1.819 tuyến đường xóm ngõ với tổng chiều dài gần 130 km, tổng mức đầu tư hơn 232 tỷ đồng”, ông Bùi Xuân Sách, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, cho biết.


Chương trình nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng được huyện Đan Phượng đồng loạt triển khai tại 16 xã và được doanh nghiệp chở vật liệu đến tận công trình nên tiết kiệm chi phí vận chuyển. Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành đường giao thông trục thôn và tiết kiệm chi phí khoảng 24 tỷ đồng so với dự toán được duyệt và 113 tuyến đường giao thông nội đồng với chiều dài hơn 68 km, tiết kiệm chi so với khái toán là hơn 91 tỷ đồng. “Mọi vật liệu như xi măng, cát sỏi đều được giao cho xã, thôn quản lý. Trong quá trình thi công, ngoài việc giám sát của chính quyền còn có sự giám sát của các ban giám sát cộng đồng và người dân. Đường ngõ xóm làm theo nguyên tắc từ trong ngõ làm ra tới trục đường chính để thống nhất cốt đường, tránh ngập úng", ông Bùi Xuân Sách cho biết.


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Hà Nội, huyện Đan Phượng là địa phương đi đầu về phát triển giao thông nông thôn. Từ việc hỗ trợ kinh phí đến việc vận động xã hội hóa và dân tự lựa chọn và cùng tham gia thi công. Nhờ đó, các công trình đều tiết kiệm 30% so với dự toán. “Cách làm của Đan Phượng có thể coi là điển hình mà các huyện khác nên học tập”, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết.


Góp công, góp của


Tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì, Hà Nội), khi xây dựng tuyến giao thông nội đồng, phương án mở rộng đường được bà con đồng ý và nhiều hộ sẵn sàng nhường một phần ruộng của mình để làm đường. Anh Nguyễn Hùng Mạnh, người dân xã Tản Hồng, chia sẻ: “Nhà tôi đã nhường một phần ruộng để mở rộng đường trục chính thêm hơn 3 m, nhằm giúp cho máy cày, máy tuốt lúa có thể di chuyển thuận tiện đến chân ruộng. Giờ đã dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho ứng dụng cơ giới, tiến bộ khoa học thì con đường cũng phải mở rộng để thuận tiện di chuyển máy móc”.

Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã đầu tư hơn 13.200 tỷ đồng, chiếm tới 26,5% tổng đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới cho xây dựng hạ tầng giao thông, nhờ đó đã bê tông hóa, nhựa hóa được hơn 687 km đường trục xã, liên xã; hơn 2.086 km đường trục thôn xóm, ngõ xóm; xây dựng được hơn 2.684 km đường giao thông nội đồng, trong đó có hơn 473 km đường trục chính nội đồng và hơn 1.927 km kênh mương nội đồng. Đến nay đã có 140/401 xã đạt tiêu chí về giao thông. Hà Nội tiếp tục triển khai làm đường giao thông nông thôn, phấn đấu tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa đạt 87% vào năm 2015.


“Khi chính quyền giải thích cặn kẽ với người dân về lợi ích của việc làm đường, song hành với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân đã sẵn sàng nhường đất, đóng góp kinh phí để làm đường”, ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết.


Còn tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), hạ tầng giao thông cơ bản cũng đã hoàn thành với sự huy động đóng góp của dân lên tới 18%.


Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực từ dân cũng phải căn cứ vào thực tế. “Huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư tại chỗ phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của doanh nghiệp cần có chính sách cụ thể và đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp. Thời gian tới, việc xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương nội đồng, mở rộng đường làng ngõ xóm sẽ được triển khai mạnh... đòi hỏi cán bộ phải tâm huyết, gần dân, hiểu dân, vận động người dân tham gia tích cực vào quá trình này”, ông Nguyễn Công Soái nhận xét.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cần lượng sức dân”

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực còn yếu, một số nơi chưa đủ điều kiện để làm hạ tầng, nhất là vùng thuần nông. Do đó nếu chưa đủ lực đầu tư hạ tầng thì các địa phương chú trọng xây dựng đường làng ngõ xóm vùng nông thôn văn minh, sạch, đẹp. Có thể vận động nhân dân hiến đất, hiến công lao động, nhưng hạn chế thu tiền mặt. Việc xây dựng hạ tầng giao thông là cần thiết, nhưng cần lượng sức dân.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó bí thư huyện Đan Phượng: “Vận động sự chung tay của doanh nghiệp”

 Huyện đã mời các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn họp bàn, kêu gọi chung tay xây dựng hạ tầng cho nông thôn. Sau nhiều cuộc họp, 16 doanh nghiệp đã nhất trí ký hợp đồng xây dựng các công trình hạ tầng với giá thấp nhất. Trong quá trình duyệt hồ sơ, các thành viên trong Ban thường vụ Huyện ủy xuống tận cơ sở, duyệt từng tuyến đường, chọn phương án thi công phù hợp với nhu cầu thực tế và kinh phí. Nhờ vậy đã giảm được tối đa kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Hậu, trưởng thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội): “Công khai minh bạch”

Cách đây 5 năm, chỉ có 30% ngõ xóm của thôn được đổ bê tông. Ban lãnh đạo thôn tuyên truyền vận động công khai, dân chủ, minh bạch. Nhân dân sau khi được bàn đã tự nguyện đóng góp 1,2 tỷ đồng và tham gia giám sát việc xây dựng rãnh thoát nước, đổ bê tông ngõ xóm với hơn 1,2 km, hàn vá đường hỏng hơn 200 m2, lắp đặt 86 bóng đèn chiếu sáng; vận động 18 hộ bàn giao trả lại đất lấn chiếm để làm được, 5 hộ tự nguyện đổi đất làm đường. Nhờ đó 100% đường trong thôn đã hoàn thiện.

 

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN