Phát huy vai trò của Tổ chức công đoàn trong thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Ngày 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam”.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, tổ chức công đoàn các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nhằm mang lại lợi ích cho người lao động. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động cơ bản, do đây cũng là những nội dung được đề cập trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (gồm: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản không chỉ mang lại nhiều lợi ích và quyền cơ bản cho người lao động, còn thúc đẩy hoạt động của Tổ chức công đoàn đi vào thực chất, mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên.

Tham gia vào các hiệp định này còn là cơ hội cho Tổ chức Công đoàn Việt Nam thu hút, tập hợp người lao động; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn, nhất là khi phát triển mạnh mẽ các quan hệ thương mại, đầu tư. Đây còn là cơ hội cho Công đoàn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại góp phần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của công đoàn các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tham gia CPTPP.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ làm tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp, nên đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn, quan hệ lao động phong phú, phức tạp hơn, người lao động sẽ có nhu cầu được Tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Chú thích ảnh
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Cùng với những thuận lợi là thách thức về số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở có nguy cơ tăng chậm so với giai đoạn trước, một số địa bàn có nguy cơ giảm sút do có sự cạnh tranh công đoàn. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thành lập công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Việt Nam sẽ chuyển sang thành lập tổ chức đại diện người lao động. Một số nhân tố lợi dụng, theo đuổi mục tiêu thành lập tổ chức đại diện người lao động nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam nhằm mục đích gây rối…

Để khắc phục tình trạng này, ông Mai Đức Chính cho rằng, cần tập trung truyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP, EVFTA đối với Công đoàn Việt Nam đến cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động.

Tổ chức công đoàn đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; tập trung xây dựng đội ngũ công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thông tin về các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, vấn đề nội luật hóa các tiêu chuẩn này; giới thiệu những giải pháp hay, mô hình hoạt động hiệu quả của Tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới. Các đại biểu cũng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những cơ hội, thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; công đoàn tham gia thúc đẩy phê chuẩn và thực hiện tiêu chuẩn quốc tế cơ bản…

Việt Nam tham gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1992 và từ đó đến nay tích cực thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, hoàn thiện thể chế quản trị thị trường lao động. Hiện Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước của ILO.

Trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm: Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; đặc biệt là Công ước số 98 về Áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

 

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn

Năm 2019, cùng với những thuận lợi cơ bản, phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động của Công đoàn Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN