Bài học xương máu
Vụ việc Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS huyện Thanh Sơn Đinh Bằng My ngày 17/12 bị khởi tố về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi đã gây “sốc” dư luận. Các luật sư cho rằng hành vi của bị can này gây phẫn nộ, cần xử lý thích đáng. Vụ việc này có thể được coi là một biến cố gây rúng động trong ngành Giáo dục, trước hình ảnh người thày giáo được nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, đào tạo học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng lại mất nhân cách.
"Hành vi tha hóa này không chỉ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người nhà giáo chân chính và của ngành Giáo dục, mà còn khiến các học sinh bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống trưởng thành sau này”, nhiều luật sư đồng quan điểm.
Bên cạnh đó, trường ở trường dân tộc nội trú là học sinh được gia đình ở các vùng sâu, vùng xa khó khăn gửi gắm, với mong muốn nhà trường giáo dục các em thành những con ngoan, trò giỏi, để trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí là những lãnh đạo địa phương trong tương lai. Hành vi lệch lạc về đạo đức, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của thầy hiệu trưởng đã và sẽ gây nguy hiểm cho tâm lý học sinh và cộng đồng.
Trước sự việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận, vụ việc đã khiến cho rất nhiều trường học nói chung và đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng lo lắng, hoang mang, cần phải xử nghiêm theo pháp luật để răn đe, nêu gương; đồng thời khẳng định, đây là bài học xương máu cho việc giáo dục giới tính của học sinh. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo trong cả nước phải đặc biệt quan tâm đến các quyền của trẻ em, chống xâm hại tình dục. Tuy nhiên, phát ngôn về "bài học xương máu trong giáo dục giới tính" lại bị dư luận chê trách.
Văn phòng Chính phủ cũng đã phải ra văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt các hành vi xâm hại trẻ em, xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bán án thích đáng cho “kẻ cầm đầu”
Người dân cả nước đặc biệt quan tâm tới vụ xét xử “đại án” tại Dong A bank, nhất là những bản án nghiêm minh dành cho các đối tượng đứng đầu ngân hàng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 20/12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 26 bị cáo liên quan “đại án”. Bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Dong A bank đã trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở), Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có) phân công nhân viên dưới quyền thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho Dong A bank tổng số tiền gần 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Trần Phương Bình trực tiếp chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 2.008 tỷ đồng, chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai hơn 1.560 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) tham gia hoạt động góp vốn mua cổ phần Dong A bank đã đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của Dong A bank 203 tỷ đồng. Trong quá trình xét xử, bị cáo Vũ không những không nhận tội, mà còn tố cáo Kiểm sát viên trong quá trình điều tra có hành vi lăng mạ bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt là mức án chung thân. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", tổng hợp với bản án 8 năm tù của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là 25 năm tù giam.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến 30 năm tù cho cả hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Nguyễn Đức Vinh bị tuyên phạt 16 năm tù, Phạm Văn Phước 13 năm tù, Nguyễn Đức Tài 13 năm tù; các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, nhân viên Dong A bank bị tuyên phạt mức án từ thấp nhất là 2 năm tù treo (thử thách 4 năm) đến cao nhất là 10 năm tù giam.
Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 và hình ảnh Việt Nam
Sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe) 2018 là một thành tích lịch sử của nhan sắc Việt trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, khi lần đầu tiên một thí sinh người đẹp Việt Nam được xướng tên vào Top 5 trong lịch sử Miss Universe. Năm 2008, khi cuộc thi tổ chức ở Việt Nam, Hoa hậu Thuỳ Lâm lọt vào Top 15.
Câu trả lời ngắn gọn của Hoa hậu H’Hen Niê trước câu hỏi của Ban tổ chức "Bạn có nghĩ phong trào Me Too đã đi quá xa hay không?": “Phong trào này không hề đi quá xa. Mỗi con người đều có quyền tự do và được bảo vệ trong cuộc sống, nhất là phụ nữ", không chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các hoa hậu thế giới và số đông khán giả, người hâm mộ, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thân thiện ra toàn thế giới.
Quả bóng vàng "cậu bé vàng" Quang Hải
Không nằm ngoài dự đoán, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã được vinh danh ở giải thưởng cao quý của bóng đá Việt Nam 2018. Đây là năm thi đấu vô cùng tuyệt vời của cầu thủ khoác áo CLB Hà Nội. Anh đã thi đấu xuất sắc ở giải U23 châu Á (ghi 5 bàn), góp công đưa U23 Việt Nam lọt vào chung kết giải đấu. Sau đó, anh tiếp tục đóng góp lớn trong chiến tích lọt vào bán kết Asiad Cup 2018. Chưa dừng ở đó, Nguyễn Quang Hải đã thi đấu tuyệt hay ở AFF Cup 2018 trong vai trò nhạc trưởng. Anh là nhân tố chủ chốt giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Với màn trình diễn xuất sắc, Quang Hải đã nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2018.