‘Nóng’ việc bắt hai chánh văn phòng Hà Nội trong vụ Nhật Cường và lời nói sau cùng của các bị cáo vụ AVG

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2019 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn; bắt tạm giam hai chánh văn phòng liên quan đến vụ Nhật Cường; lời sau cùng của các bị cáo vụ AVG và tuyên án những kẻ thủ ác vụ nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên, là những thông tin “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận tuần qua.

10 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2019

Tuần qua, TTXVN công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2019. Đó là: 
Tăng trưởng GDP thuộc nhóm hàng đầu khu vực, đạt 7,03% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng, hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, kiểm soát lạm phát dưới 4%...

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực số 205-QĐ/TW trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Chú thích ảnh
Việt Nam lần đầu tiên thử nghiệm phát sóng 5G trên mạng Viettel. Ảnh: TTXVN.

Ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo dấu mốc quan trọng trong mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với 192/193 phiếu, thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vang dội tại SEA Games 30, với kỷ lục 98 huy chương Vàng (HCV), 85 huy chương Bạc, 105 huy chương Đồng.

Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, thể hiện được vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới và khu vực.

Phát hiện 39 người Việt thiệt mạng trong xe container ở Anh, qua đó, Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, khiến toàn hệ thống chính trị xã hội phải vào cuộc phòng chống dịch.

Người dân phải hứng chịu nhiều sự cố môi trường liên tiếp, song những biện pháp xử lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng chưa kịp thời, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn.

Tiếp tục xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm, khẳng định quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thêm manh mối liên quan đến vụ Nhật Cường

Chiều ngày 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an - C03) đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt tạm giam 2 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; gồm: Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, hiện là Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bị can Nguyễn Văn Tứ (trái) và bị can Phạm Thị Thu Hường. Ảnh: Bộ Công an/TTXVN phát.

Theo Bộ Công an, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình tiến hành điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường; Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 27/C03-P14 ngày 14/05/2019, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14 ngày 09/07/2019 và số 23/C03-P14 ngày 28/11/2019.

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt tạm giam hai bị can nói trên. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Những lời sau cùng tại phiên tòa tuyên án vụ MobiFone mua AVG

Sáng 24/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo đã nói lời sau cùng tại phiên tòa.

Hầu hết các bị cáo đều gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến nhân dân, đến cán bộ ngành thông tin và truyền thông, đến cán bộ nhân viên MobiFone, gia đình và người thân… vì những sai phạm đáng tiếc mà các bị cáo đã gây ra. Đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã khách quan, dân chủ, công tâm trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Chú thích ảnh
Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nói lời sau cùng trước tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Cho rằng đây là bài học đắt giá cho cá nhân trong hơn 40 năm công tác, hơn 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, bị cáo Nguyễn Bắc Son hứa sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục triệt để 100% hậu quả trong vụ án. Bị cáo thỉnh cầu Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét về những đóng góp của gia đình, ghi nhận những tấm Huân, huy chương cao quý, truyền thống của gia đình… cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, để sớm được trở về với gia đình trong những năm cuối của cuộc đời.

Nói lời sau sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) xót xa chia sẻ: Trong suốt 41 năm công tác, 10 năm trong quân ngũ, 27 năm làm công tác tuyên giáo của Đảng và 4 năm làm việc tại ngành Thông tin và Truyền thông, bị cáo chưa từng nghĩ mình có một cái kết cay đắng như tại phiên tòa hôm nay. Những sai phạm của bị cáo cũng như các bị cáo khác tại phiên tòa đã được làm rõ trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo đã thấy rõ trách nhiệm của mình, nhận thức rõ những sai phạm của mình.

Bị cáo Trương Minh Tuấn đề đạt: Việc dám nói ra sự thật, nói ra tất cả những góc khuất cần được đánh giá cao, cần được xem xét giảm nhẹ hình phạt hơn so với những người không nói ra sự thật, đó còn là sự khoan dung. Điều này là sự khuyến khích cho sự thật tiếp tục được phanh phui, làm rõ ở nhiều vụ án khác.

Bị cáo Lê Nam Trà khẳng định, bản chất sai phạm không thể trốn tránh được, vì vậy bị cáo đã chủ động khai nhận và hoàn trả số tiền nhận hối lộ, mặc dù bản thân trước đó không có thỏa thuận sẽ nhận số tiền này sau khi kết thúc thương vụ mua AVG. Bị cáo mong Hội đồng xét xử cân nhắc tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trong việc ăn năn hối lỗi, chủ động khai báo, khắc phục hậu quả… để khoan hồng cho bị cáo sớm được trở về với gia đình.

Các Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên đều khẳng định cơ quan điều tra đã tạo điều kiện cho các bị cáo khai báo và giúp các bị cáo hiểu được nhiều vấn đề chưa biết hoặc đang hiểu sai. Quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát cũng giúp các bị cáo nhận thức được hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước và cho MobiFone. Nhiều bị cáo mong Hội đồng xét xử khoan hồng cho mình và các bị cáo khác…

Bị cáo Phạm Nhật Vũ do sức khỏe yếu, nên đã có đơn xin không đến phiên tòa và được Hội đồng xét xử chấp thuận.

Sáng 28/12, Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt 14 bị cáo. Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị Tòa tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 16 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là tù chung thân. Bị cáo Trương Minh Tuấn bị Tòa tuyên phạt 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Trương Minh Tuấn là 14 năm tù...

Hội đồng xét xử kết luận, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Sự chỉ đạo của bị cáo Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Bị cáo Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra cho nhà nước và xã hội. Bị cáo Son là người được hưởng lợi nhiều nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật này, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn là 3 triệu USD. Do vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong số các bị cáo trong vụ án này. Về hình phạt bổ sung, Hội đồng xét xử xác định không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo trong vụ án này.

Những bản án đích đáng trong vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên

Sáng 26/12, tại Sân vận động TP Điện Biên Phủ, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử lưu động Vì Văn Toán và đồng phạm trong vụ án nữ sinh đi giao gà bị sát hại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Điện Biên.

Theo Cáo trạng số 19, ngày 22/11/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, vụ án có 9 bị can gồm: Vì Văn Toán (sinh năm 1982), Bùi Văn Công (sinh năm 1975), Lường Văn Hùng (sinh năm 1991), Lường Văn Lả (sinh năm 1993), Phạm Văn Nhiệm (sinh năm 1976), Phạm Văn Dũng (sinh năm 1972), Cầm Văn Chương (sinh năm 1974), Bùi Thị Kim Thu (sinh năm 1975) cùng trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và Vương Văn Hùng (sinh năm 1984), trú tại TP Điện Biên Phủ.

Chú thích ảnh
Bị cáo Vì Văn Toán trả lời trước tòa. Ảnh: Phan Tuấn Anh /TTXVN.

Trong đó, bị can Vì Văn Toán bị đề nghị truy tố về tội các "giết người", "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"; các bị can Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả bị đề nghị truy tố về các tội "giết người", "hiếp dâm", "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"; các bị can Phạm Văn Dũng và Cầm Văn Chương bị đề nghị truy tố về tội "hiếp dâm". Bị can Bùi Thị Kim Thu bị đề nghị truy tố về tội "không tố giác tội phạm". Bị can Bùi Văn Công bị đề nghị truy tố thêm tội "cướp tài sản" và "tàng trữ trái phép chất ma túy"; bị can Vương Văn Hùng cũng bị đề nghị truy tố thêm "tội cướp tài sản".

Như vậy, trong vụ án này có 6/9 bị can bị truy tố với tội danh "giết người", quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi , bổ sung năm 2017) với mức án từ 20 năm tù, hoặc chung thân cho đến tử hình.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận. Hành vi của các bị can là vi phạm pháp luật, xâm phạm nhân phẩm, danh dự, tính mạng, tài sản của người khác, xâm phạm chính sách độc quyền quản lý của Nhà nước về các chất ma túy, xâm phạm hoạt động tư pháp cần phải xử lý nghiêm.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng tuần qua: Xử lý thích đáng những cán bộ, giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực
Nóng tuần qua: Xử lý thích đáng những cán bộ, giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực

Đại úy công an Lê Thị Hiền bị cấm bay 12 tháng và đình chỉ công tác 30 ngày vì có hành động mạt sát nhân viên hàng không. Cơ sở mầm non Maple Bear Westlake Point thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội) bị rút giấy phép hoạt động do giáo viên nhốt trẻ vào tủ quần áo. Bị cáo Nguyễn Hữu Linh lĩnh án 18 tháng tù về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Đây là những thông tin nóng diễn ra trong tuần qua được dư luận quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN