Thứ trưởng Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm nêu gương
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 933/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật đối với ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Cụ thể, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 1190-QĐ/UBKTTW ngày 6/6/2019.
Trước đó, tại Kỳ họp 36, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ủy viên ban cán sự đảng Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải. Ông Huỳnh Quang Hải đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính.
204 bài thi trắc nghiệm thay đổi điểm
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 17 giờ ngày 1/8, tất cả 63 Hội đồng thi đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi Trung học Phổ thông quốc gia và công bố kết quả cho thí sinh. Cả nước có 57.639 bài thi phúc khảo; trong đó có 40.887 bài thi trắc nghiệm. Trong số các bài thi trắc nghiệm phúc khảo có 204 bài thay đổi kết quả, chiếm 0,5%. Bên cạnh đó, 100% các bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 Hội đồng thi có kết quả phúc khảo không thay đổi so với kết quả ban đầu. Gần 20 Hội đồng thi chỉ có 1 đến 3 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.
Tổng hợp báo cáo từ các Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi kết quả sau phúc khảo so với ban đầu của các bài thi là: Chất lượng của bản in phiếu trả lời trắc nghiệm không đồng đều, dẫn đến máy quét không nhận dạng được chính xác. Một số thí sinh tô nhầm số báo danh; tô sai mã đề thi. Một số thí sinh tô mờ đáp án hoặc không tẩy hết đáp án cũ sau khi đã thay đáp án mới trên bài làm…
Công cụ hữu hiệu để loại bỏ "sân sau"
Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trở thành công cụ quan trọng để xử lý tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Cụ thể, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nếu để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp sẽ bị cách chức, nếu việc này gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là một ví dụ điển hình trong việc lợi dụng chức quyền nhằm trục lợi cá nhân thông qua việc thành lập công ty để người thân quản lý. Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật trong thời gian giữ các chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Tháng 8/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương; Thủ tướng Chính phủ đã miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Hay vào tháng 5/2018, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh cũng đã bị cách hết chức vụ trong Đảng vì tạo điều kiện cho công ty do chồng là cổ đông sáng lập. Trong thời gian là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Hành vi của bà Thanh là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Đến khi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Thanh tiếp tục có vi phạm khi ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng (Công ty Cường Hưng) đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm…
Việc ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP không chỉ thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, mà còn tạo thêm cơ sở pháp lý, trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các doanh nghiệp "sân sau", đem lại sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin trong nhân dân...
Khởi tố Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô
Ngày 2/8, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô cùng 3 bị can khác là cán bộ của trường trong vụ án “Giả mạo trong công tác”.
Theo nội dung thông báo, ngày 19/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Đến ngày 30/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa (Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô); Trần Ngọc Quang (Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, trường Đại học Đông Đô); Phạm Vân Thùy (trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô); Lê Thị Lương (trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô).
Vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.