Do có nền công nghiệp phát triển, tập trung đông dân cư nên hiện mỗi ngày tại Đồng Nai phát sinh trên 2.600 tấn rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp nguy hại.
Trong khi đó, khu xử lý chất thải chậm được xây dựng, không đáp ứng đủ nhu cầu nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều bãi rác tạm.
Các bãi rác này hàng ngày tiếp nhận một lượng lớn chất thải nằm ngay gần khu dân cư, không được rào chắn, xử lý nên sinh mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đây.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã đề ra chủ trương xử lý triệt để các bãi rác tạm, nhưng đến nay tiến độ xử lý còn chậm.
Trên địa bàn huyện Trảng Bom, hiện có 8 bãi rác tạm. Cả 8 bãi này đã hình thành nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã giao cho doanh nghiệp xử lý (thu gom, chuyển rác đi nơi khác) để tiến hành đóng cửa, nhưng đến nay, tất cả bãi rác này vẫn tồn tại.
Trong số này, bãi rác Bắc Sơn (xã Bắc Sơn) có quy mô lớn nhất nhưng lại không có hố chôn rác thải. Rác tập kết tại đây gồm rất nhiều loại như túi ni lông, nguyên liệu may mặc, nhựa,… không được phân loại, tràn lan trên mặt đất.
Bà Nguyễn Thị Lan (một hộ dân sống cách bãi rác hơn 300m) cho biết: Dù cơ quan chức năng đã cấm tập kết rác về đây, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều xe tải mang rác đến đổ trộm. Lượng rác thải lớn, không được xử lý nên mùi hôi thối phát tán rất rộng trong dân cư.
Người dân sống gần đây thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp. Người dân mong chính quyền sớm có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý bãi rác Bắc Sơn, để thoát cảnh sống ô nhiễm.
Tại huyện Vĩnh Cửu có 3 bãi rác tạm, trong số này có bãi rác tạm ở xã Tân An quy mô lớn nhất. Bãi rác nằm trên cao, nên khi trời mưa, nước từ đây chảy tràn ra khu vực xung quanh khu dân cư gây mùi hôi thối. Đến mùa nắng, ruồi từ bãi rác bay ra khắp vùng, dân ăn cơm phải giăng màn để tránh ruồi đậu vào cơm, canh.
Chị Trần Thúy Hằng (người dân sống gần bãi rác) chia sẻ: Gia đình chị sống ở đây đã mấy chục năm, trước đây nhà chị thường dùng nước giếng đào sinh hoạt. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên dân phải chuyển sang dùng giếng khoan. Nhiều nhà khoan giếng sâu nhưng nước vẫn có mùi hôi, không thể sử dụng được, đành phải mua nước sạch về để sinh hoạt.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh còn 16 bãi rác tạm. Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đốc thúc, song tiến độ xử lý các bãi rác tạm vẫn rất chậm. Có những dự án đơn vị thi công xin gia hạn 3 lần.
Nguyên nhân xử lý bãi rác tạm chưa triệt để là do quá trình xây dựng các hố chôn lấp nhằm tiếp nhận rác (từ các bãi rác tạm) diễn ra chậm; doanh nghiệp tham gia xử lý rác gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, nén ép rác ở các bãi rác tạm để mang đi chôn lấp.
Bên cạnh đó, để vận chuyển rác tồn từ các bãi rác tạm về khu xử lý tập trung, các đơn vị phải thực hiện đấu thầu, nhưng hiện quá trình này mất rất nhiều thời gian.
Theo kế hoạch, đến năm 2016, Đồng Nai sẽ đóng cửa tất cả các bãi rác tạm trong tỉnh. Để làm được điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính xem xét, nghiên cứu để hoàn tất nhanh thủ tục đấu thầu thực hiện vận chuyển rác.
Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp tham gia xử lý rác phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hố chôn lấp cũng như nén ép rác; đưa ra cam kết rõ ràng về tiến độ xử lý các bãi rác tạm.