Nhiều biện pháp mạnh xóa bỏ các bãi tập kết cát, sỏi trái phép trước ngày 31/7

Hiện nay, ven các tuyến sông trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó, 188 bãi đang hoạt động, 14 bãi tạm dừng hoạt động. 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN phát

Điều đáng nói, trong số các bến bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động chỉ có gần 40 bến bãi có giấy phép. Tình trạng này diễn ra nhiều năm, các đơn vị chức năng của thành phố cũng phối hợp thực hiện nhiều đoàn kiểm tra nhưng trên thực tế việc quản lý và xử lý vẫn gặp khó khăn, không xử lý dứt điểm các vi phạm. Những tồn tại này đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo báo cáo của các địa phương, những điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chủ yếu hoạt động ở khu vực bãi sông, tập trung nhiều ở các quận, huyện như: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm... Ngoài ra, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa…cũng tồn tại những điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê.

Lý giải những tồn tại trong việc quản lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, lãnh đạo một số địa phương cho rằng hầu hết bến bãi đã tồn tại hàng chục năm, thậm chí nhiều hơn, một phần diện tích bến bãi là của các hộ dân. Một số bến bãi nằm trong quy hoạch nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép hoạt động do liên quan đến nhiều sở, ngành, đặc biệt là vấn đề đê điều, dòng chảy thoát lũ.

Đối với những bến bãi nằm ngoài quy hoạch, mặc dù các địa phương đã giải tỏa song do nhiều công trình được xây dựng từ lâu, kinh phí đầu tư lớn, cuộc sống, thu nhập của các chủ bến bãi chủ yếu dựa vào kinh doanh vật liệu nên tiến độ giải tỏa rất chậm. Trong khi đó, việc chưa có quy hoạch vị trí bến bãi mới cho các hộ trong diện di dời, giải tỏa cũng gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm...

Trước thực trạng trên, để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới, Hà Nội yêu cầu ngành chức năng và cấp chính quyền thực hiện nhiều biện pháp "mạnh" nhằm kiên quyết xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trước ngày 31/7/2019.

UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng nhằm khai thác, thành lập bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hay có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác. 

Thành phố chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương giám sát chủ đầu tư khi ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp. Đặc biệt là chỉ phê duyệt, thanh quyết toán đối với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp. Đối với các dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, dòng chảy có thu hồi cát, sỏi, chỉ thanh toán khối lượng đã đăng ký khối lượng thu hồi theo quy định.

Cùng với đó là phải phân công trách nhiệm cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đơn vị trong quản lý, xử lý vi phạm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này. Ngành chức năng tăng cường quản lý khai thác cát, sỏi tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận; tiếp tục rà soát để điều chỉnh, thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để siết chặt quản lý hoạt động của các bến bãi, tháng 5/2018, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông với sự tham gia liên ngành gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông-Vận tải, Công an thành phố, đại diện các quận, huyện, thị xã…

Đoàn đã kiểm tra 31 đơn vị khai thác khoáng sản và các địa phương có bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; kiểm tra công tác quản lý Nhà nước của UBND các cấp đối với hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng. Ngoài ra, đoàn cũng đã kiểm tra hồ sơ pháp lý, tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân.

Đoàn đã kiến nghị UBND thành phố kiên quyết đình chỉ trường hợp hoạt động không có giấy phép, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các bến bãi hoạt động sai phép. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn cũng kiến nghị thu hồi những phần đất cho thuê trái thẩm quyền, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích để hoạt động kinh doanh, tập kết trung chuyển vật liệu tại khu vực bãi sông trên địa bàn toàn thành phố.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Vĩnh Phúc siết chặt quản lý khai thác, kinh doanh cát, sỏi và đất san lấp
Vĩnh Phúc siết chặt quản lý khai thác, kinh doanh cát, sỏi và đất san lấp

Các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đang tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi và đất san lấp trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN