Đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hướng đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn sau khi áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012 và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Đồng tình về mặt chủ trương, các nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hơn một số nội dung, đánh giá những tác động của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất là đối với người lao động phổ thông, lao động giản đơn, lao động không đòi hỏi có tay nghề cao đang chiếm tỉ lệ rất lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các đại biểu đều băn khoăn về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, cũng như mong muốn giữ nguyên quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (bắt đầu từ 7 giờ 30) như hiện nay.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phần đông trên địa bàn huyện chủ yếu là lao động có tay nghề giản đơn, nhất là trong lĩnh vực may mặc, da giày hay các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, lao động trẻ hiện nay đang có xu hướng mắc bệnh của người già hoặc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng do điều kiện, môi trường làm việc, chưa chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, chắc chắn sẽ tác động rất lớn khi người lao động không còn đảm bảo sức khỏe, dẫn đến chất lượng lao động kém, không thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời dễ nảy sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Cùng quan điểm, ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp điều kiện về sức khỏe, đảm bảo yêu cầu của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp.
Hầu hết người lao động không muốn làm thêm giờ hoặc tăng ca
Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, các đại biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hầu hết người lao động không muốn làm thêm giờ hoặc tăng ca để có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tái tạo sức lao động, viếng thăm người thân, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, do điều kiện cuộc sống, lương, thu nhập hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình người lao động nên họ phải làm thêm.
Ông Hùng Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dược Sanofi (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chất lượng làm thêm, tăng ca sau 8 giờ lao động chính thức sẽ không cao, ngược lại các chi phí phát sinh cao hơn rất nhiều. Vì thế, đơn vị hay doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu khi tăng giờ làm việc. Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nên giữ nguyên hiện hành, thời gian làm việc không quy định được trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính.
Trong khi đó, hầu hết các đại biểu ở Hải Phòng cũng đồng tình, giữ nguyên thời gian làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm. Nếu người lao động làm thêm trên 200 giờ, tiền làm thêm, làm bù sẽ được tính theo lũy tiến và phải có quy định cụ thể, như từ giờ thứ 300 tiền làm bù sẽ tăng 300%.
Đồng tình bổ sung thêm ngày nghỉ lễ
Về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ vào ngày 27/7 được các đại biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất cao do số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay ít hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới; đồng thời, đề xuất chọn thêm ngày lao động Việt Nam (do hiện chỉ có ngày Quốc tế lao động 1/5). Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), việc chọn nghỉ lễ ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa rất lớn. Đây là dịp để thế hệ công dân Việt Nam tri ân những người đã có công với đất nước, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, phần lớn các đại biểu ở Hải Phòng đều tán thành phương án giữ nguyên lịch nghỉ Tết Nguyên đán như hiện hành. Nếu ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Nếu được nghỉ thêm 1 ngày thì nên cộng ngày nghỉ này vào thời gian nghỉ trước Tết Nguyên đán để người lao động xa quê chuẩn bị về nhà, đoàn viên, chăm lo cho gia đình.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực hiện cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian nghỉ Tết âm lịch. Các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); làm rõ về quy định tiền lương, mức sống tối thiểu vùng; trợ cấp mất việc, thôi việc; thời giờ nghỉ ngơi sau 6 giờ làm việc liên tục; việc nâng lương của người lao động phải được thỏa thuận trong hợp đồng hay thỏa thuận lao động tập thể; tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp thực hiện những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới...