Sau thời gian sử dụng, bước đầu cho kết quả khả quan, tiệt kiệm đáng kể điện năng và được Tổng công ty Điện lực Hà Nội nhân rộng.
Nhìn từ bên ngoài, hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái Trung tâm sửa chữa điện nóng Yên Nghĩa khá gọn gàng, ngăn nắp, khó nhận biết ó là một "nhà máy điện". Ngoài ra, trên mái Trung tâm sửa chữa điện nóng là hơn 100 mét vuông tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời được lắp đặt quay về hướng Tây, có lợi nhất về hấp thụ ánh sáng.
Nhằm đi đầu công nghệ cũng như tiết kiệm năng lượng, cuối năm 2016, khi khánh thành Trung tâm sửa chữa điện nóng cũng là lúc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho lắp đặt 78 tấm pin 260Wp. Để phục vụ cho những tấm pin trên, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho triển khai thêm hệ thống kích điện từ 48V lên 220V xoay chiều. Nhờ đó, sản lượng điện từ những tấm pin đã đạt được ở mức tối đa. Bình quân mỗi ngày "nhà máy điện" cho ra sản lượng trên 49,9 kWh điện.
Kỹ sư điện Dương Anh Tùng là người lắp đặt, theo dõi hoạt động của hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại Trung tâm sửa chữa điện nóng Yên Nghĩa cho biết, sản lượng điện tùy thuộc vào thời tiết, những ngày nắng nóng sẽ cho ra nhiều điện năng hơn so với những ngày thời tiết râm mát. Lượng điện do hệ thống sản xuất ra được đơn vị sử dụng vào việc vận hành hệ thống máy tính văn phòng, điều hòa nhiệt độ, sử dụng tivi, bình nóng lạnh, chiếu sáng, máy bơm...
"Đáng nói, vào thời điểm ban ngày, lượng ánh sáng lớn, hệ pin không những sản xuất ra điện đáp ứng việc sử dụng trong sinh hoạt của tại Trung tâm mà còn dư thừa điện năng. Với việc dư thừa điện này, lãnh đạo đơn vị đã yêu cầu các kỹ sư nghiên cứu và đưa điện thành công lên hệ thống điện lưới quốc gia, tránh việc lãng phí điện năng", kỹ sư điện Dương Anh Tùng thông tin.
Công trình Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà sử dụng thiết bị pin năng lượng mặt trời quy mô lớn đầu tiên của thành phố Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nói về chi phí lắp đặt và hiệu quả sử dụng, kỹ sư Dương Anh Tùng cho biết, tổng mức đầu tư của hệ thống pin năng lượng mặt trời là dưới 800 triệu đồng, theo đó mỗi tháng đơn vị tiết kiệm được khoảng hơn 2.151 số điện, tương đương số tiền từ 4 đến 5 triệu đồng. Đấy là chưa kể lượng điện từ Trung tâm sản xuất ra, không sử dụng hết đã hòa với lưới điện quốc gia. Theo dõi hoạt động của hệ thống pin năng lượng mặt trời suốt thời gian dài, kỹ sư Dương Anh Tùng nhận thấy hệ thống hoạt động rất ổn định, lượng điện sản xuất ra ổn định với chất lượng tốt.
Đánh giá về việc khả năng nhân rộng của mô hình, ông Phạm Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội, cho biết hiện mái nhà của nhiều đơn vị, doanh nghiệp rất phù hợp với việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện. "Lắp đặt hệ thống này sẽ giảm đáng kể điện năng trong một tháng. Nhưng điều quan trọng hơn, khi lắp đặt sẽ chủ động được nguồn điện, góp phần giảm áp lực cho việc thiếu điện trong sản xuất và sinh hoạt ở Thủ đô, nhất là ở thời điểm mùa nắng nóng", ông Phạm Đại Nghĩa nhìn nhận.
Không chỉ ở Thủ đô mà nhiều tỉnh thành trong cả nước vào mùa nắng nóng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nguồn cấp điện không ổn định, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện lại tăng cao. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo, hạn chế sử dụng điện vào những giờ cao điểm; sử dụng những thiết bị điện tiêu thụ ít điện năng có dán nhãn do Bộ Công thương phát hành...
Nhằm tiết kiệm điện, từ nhiều năm nay, Bộ Công thương kết hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện hưởng ứng Giờ Trái đất, kêu gọi mọi người chung tay tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Bởi thực tế cho thấy, tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng không chỉ có lợi cho mỗi gia đình mà cho cả xã hội.