Hàng chục ngàn chiếc bánh Tét được người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp công làm và hàng ngàn chiếc đã đến được với người dân vùng lũ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Chị Trương Thị Cẩm Thạch, huyện Mang Yang, cho biết, nghe tin lũ lụt từ miền Trung, chị đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo để làm 3.000 chiếc bánh Tét, mua 500 thùng tôm, hàng trăm thùng sữa và nước uống cùng 5 tấn quần áo gửi hỗ trợ bà con vùng lũ. Chiều 20/10, chuyến hàng chở các nhu yếu phẩm này đã đến với người dân miền Trung.
Chị Thạch kể, sáng 21/10, một cụ già trên 80 tuổi, lưng còng, đội mưa ôm 2 thùng mì tôm và 100 ngàn đồng đến ủng hộ quỹ hỗ trợ người dân miền Trung. Người nhà của cụ cho biết, cụ đã dùng tiền tiết kiệm của mình và nhờ con cháu đưa đến ủng hộ trực tiếp. Những hình ảnh ấy làm chị Thạch có thêm động lực để kêu gọi các nguồn tài trợ cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.
Đồng cảm với những mất mát mà khúc ruột miền Trung đang gánh chịu, anh Phạm Anh Pháp, nhóm từ thiện Từ Tâm tại thành phố Pleiku cho biết, anh đã kêu gọi cộng đồng mạng góp công, góp gạo, đậu xanh, thịt heo để gói 1.000 chiếc bánh Tét hỗ trợ người dân vùng lũ.
Hàng trăm người dân thành phố Pleiku đã tập trung ở công viên Nguyễn Viết Xuân, người góp lá, người mang theo gạo, nếp, đậu xanh, thịt heo, dây lạt để cùng gói bánh. Đợt vận động từ sáng 21/10 với mục tiêu 1.000 chiếc bánh Tét đã vượt dự kiến. Đến chiều cùng ngày, số lượng bánh Tét đã lên đến 2.000 chiếc và các hoạt động ủng hộ chưa dừng lại.
Chị Lê Thị Thanh Huệ, thành phố Pleiku, cho biết vừa nghe tin về hoạt động của nhóm từ thiện, chị đã xin nghỉ một ngày làm việc để cùng hàng trăm người chung tay gói bánh. Việc gói bánh bắt đầu từ sáng, càng lúc càng nhiều người biết tin và đến tham gia. Mỗi người đến, đều ủng hộ bằng tiền mặt hoặc mang theo gạo nếp, thịt heo hay đậu xanh, lá chuối đến góp.
Tại các điểm quyên góp khác, quần áo, mì tôm, nước sạch, sữa, lương khô cũng tấp nập được người dân mang đến ủng hộ. Nhà anh Lê Thống Nhất, thành phố Pleiku, đang ngập kín quần áo, dù trước đó đã có 2 chuyến xe chở hơn 5 tấn quần áo được chở đi. Anh Nhất cho biết, nhận quần áo quyên góp từ mỗi người dân, anh phải nhờ các tình nguyện viên phân loại, đóng gói cẩn thận để thuận tiện phân phát cho mọi người.
Ngoài việc vận động trong khu vực mình sinh sống, nhiều nhà hảo tâm đã liên kết vận động cả bên ngoài tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, để cùng tổ chức các chuyến từ thiện về với bà con miền Trung. Chị Lê Thị Tuyết Ánh, thành phố Pleiku cho biết, ngày 22/10 chị sẽ cùng đoàn từ thiện của tỉnh Đăk Lăk kết hợp chở hàng đến miền Trung cứu trợ người dân. Ngoài nhu yếu phẩm, tiền mặt cũng được các đoàn từ thiện kêu gọi, công khai tài chính trên các phương tiện truyền thông để minh bạch các nguồn kinh phí, tránh việc trục lợi từ những hoạt động thiện nguyện.
Người người, nhà nhà tại Gia Lai đang hướng về tâm lũ miền Trung, các hoạt động thiện nguyện cũng được tổ chức tại nhiều trường học các cấp. Các học sinh đã quyên góp quần áo, sách vở, chia sẻ cùng các bạn đồng trang lứa về những thiệt thòi trong đợt thiên tai vừa qua.
Em Từ Phong Hải, lớp 3A6, Trường Tiểu học Kon Dơng số 1, thị trấn Mang Yang (Gia Lai) cho biết, nghe cô giáo kêu gọi ủng hộ các bạn bị lũ lụt, em đã lấy sách cũ, san sẻ những cuốn vở mới, những chiếc bút chưa sử dụng và một số quần áo cũ để cùng nhà trường gửi về miền Trung.
Bằng những hoạt động thiết thực, đậm chất nhân văn, những trái tim con người Tây Nguyên đang hướng về dải đất miền Trung ruột thịt đang oằn mình chống chọi với thiên tai. Hiện các nhóm thiện nguyện, các chùa, đơn vị, tổ chức đoàn thể như Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, chi đoàn cơ sở, các trường học... ở khắp các thôn, xã, huyện, thị, thành của tỉnh Gia Lai, đang làm hàng chục ngàn chiếc bánh Tét để tiếp tục gửi đến đồng bào miền Trung.