Ngăn ngừa tác động trực tiếp từ tia cực tím

Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, chỉ số tia cực tím (UV) trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đang lên rất cao, tác động lớn đến người dân với nguy cơ tổn thương da cùng nhiều chứng bệnh khác. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo ngại và có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe khi ra đường.

Chú thích ảnh
Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, chỉ số tia cực tím (UV) trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đang lên rất cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia từ ngày 6 - 8/3, tại các thành phố lớn, chỉ số tia cực tím lần lượt là: Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) 9, 9, 8; Hải Phòng 9, 8, 6; Đà Nẵng 8, 9, 10; Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 10, 10, 10; TP Hồ Chí Minh 10, 10, 10; Cần Thơ 9, 10, 10; Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 10, 10, 10.
 
Như vậy, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau chỉ số tia cực tím đã lên tới 10. Các chuyên gia cho biết, chỉ số tia cực tím 8-10 là mức rất cao theo quy định, gây bỏng trong thời gian 25 phút; từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
 
Tia cực tím được chia làm 3 loại: cực tím A, B và C, trong đó tia cực tím A (UVA) có thể dễ dàng xuyên qua mây, tác động trực tiếp đến lớp thượng bì da, xuống lớp tế bào làm thoái hóa cấu trúc nền của da khiến da dễ bị sần sùi, thô ráp, nhăn nheo… ảnh hưởng tới ADN của da. Tia cực tím B (UVB) tác động lên quá trình tổng hợp melamin làm da sạm đi, rám nắng, đặc biệt khiến da xuất hiện nhiều tổn thương như đốm nâu, tàn nhang; việc tiếp xúc lâu dài với UVB cũng dễ gây nguy cơ ung thư da. Tia cực tím C (UVC) gây tổn thương đặc biệt nghiêm trọng đến cấu trúc tế bào và dẫn đến tình trạng ung thư da.
 
Theo các chuyên gia, tia cực tím là loại tia mà con người vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tia cực tím nằm trong ánh sáng mặt trời, bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia cực tím, chỉ khác nhau về bước sóng. Chống tia cực tím không chỉ đơn thuần là chống nắng hàng ngày vì trong ánh nắng mặt trời chỉ có 10% là tia cực tím. Vào những ngày mưa hoặc nhiều mây, còn nhiều các loại tia khác vẫn hoạt động âm thầm, có thể xuyên qua mây mù và gây ra các tổn thương da đáng kể trong một thời gian dài hoặc gây say nắng.
 
Thực tế, đặc thù tại miền Nam khi nào trời quang mây xảy ra hiện tượng tia UV đạt mức độ cao. Giai đoạn sau Tết nguyên đán, thời điểm giữa mùa khô, nắng nóng càng gay gắt khiến chỉ số tia UV lên cao. Bước sang tháng 4, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cường độ tia UV càng tăng mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng tia cực tím xuất hiện gây hại cho sức khỏe người dân ngày càng dày đặc hơn trước là do biến đổi khí hậu làm cho tầng ozone bị thủng khiến bức xạ mặt trời mang theo tia cực tím nhiều hơn.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần che chắn cẩn thận khi ra đường khi chỉ số UV trên 7, lên quá mức 10 thì phải hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp ánh nắng vì gây ung thư da. Khi ánh nắng quá gay gắt, người dân có thể tự bảo vệ bằng các biện pháp: tránh ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10 - 16 giờ nếu không cần thiết; sử dụng khẩu trang, mặc trang phục dài để che chở cho da càng nhiều càng tốt; tận dụng các bóng râm khi có thể. Khi trời nhiều mây, không phải lúc nào cũng ít tia cực tím do một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. Các toà nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng làm phản chiếu tia cực tím nên người dân cần cẩn trọng.
 
Đồng thời, có thể dùng các sản phẩm chống nắng như kem, lotion, dạng xịt… để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay…, lưu ý phải thoa kỹ để che hết. Phụ nữ dùng kem chống nắng kết hợp với mỹ phẩm thì thoa kem chống nắng trước, trang điểm sau. Dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì). Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài ra, bề mặt nước, cát đều có thể gây phản xạ tia cực tím.
 
Riêng đối với trẻ em, do da nhạy cảm và thời gian tiếp xúc với ánh nắng kéo dài hơn người lớn nên cần chú ý bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.
 
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Vinh, giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tia cực tím nằm trong phổ ánh sáng mà mắt thường không thể nhìn thấy được, luôn tồn tại trong ánh sáng mặt trời còn có tác dụng tích cực giúp da tổng hợp vitamin D, kích thích hoạt động chính của cơ thể; tia cực tím cũng có khả năng diệt khuẩn, tiệt trùng, chữa bệnh vẩy nến…

Hồng Đạt (TTXVN)
Thời tiết ngày 8/3: Bắc Bộ sáng sớm có mưa phùn và sương mù rải rác
Thời tiết ngày 8/3: Bắc Bộ sáng sớm có mưa phùn và sương mù rải rác

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 27/2, Bắc Bộ và các khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đêm và sáng sớm có mưa phùn và sương mù rải rác, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng sớm trời rét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN