Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, không điều trị lợn bệnh

Hiện do chưa có vắc xin, thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nên giải pháp phòng bệnh là chính và chủ động ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào nội địa, tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, cũng như các sản phẩm của lợn.

Chặn dịch bệnh từ xa

Sáng ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi họp.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.V

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng nhiều trung tâm chế biến lớn, thị trường thịt lợn đã phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh và dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản.

Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo các tỉnh ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, bảo vệ thành quả của ngành Chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, tổng đàn lợn năm 2017 là 27,4 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng Quý I/2018 khoảng 1,026 triệu tấn, Quý II/2018 là 830.000 tấn.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bản chất của vi rút gây bệnh không tự lây lan, phát tán nhanh so với một số mầm bệnh khác như vi rút gây bệnh lở mồm long móng, tai xanh trên lợn, dịch tả lợn cổ điển...

Các nước đã từng có dịch đã chỉ rõ bệnh dịch tả châu Phi lây lan chủ yếu do có yếu tố con người tác động như: Vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác... Hơn nữa, hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị. 

Vì vậy, hiện nay, giải pháp phòng bệnh là chính. Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Khống chế xâm nhiễm vào nội địa

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.

Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 9/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Nguy cơ bệnh dịch từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh và tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm, điều tra và ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn thú y các cấp.

Trong trường hợp phát hiện, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh; khoanh vùng dịch, vùng đệm; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.

Ngoài ra, cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất khi phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.

Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh

Theo ông Tuấn, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, nước này đã ban hành Lệnh tạm dừng nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột lợn muối đã qua công đoạn diệt vi rút dịch tả lợn châu Phi theo quy định của OIE); đồng thời tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ; xây dựng, rà soát lại toàn bộ Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ).

Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành Nông nghiệp trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Do vậy, trước hết là phòng, sau đó là chống. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Chăn nuôi và nông dân.

Các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh dịch, chủ động nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Đồng thời, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

H.V/Báo Tin tức
Các tỉnh biên giới chặn dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam
Các tỉnh biên giới chặn dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam

Dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ lây lan sang Việt Nam là rất cao, vì giá lợn trong nước hiện nay cao hơn giá thịt lợn Trung Quốc, người dân và tư thương có thể sang các chợ giáp biên mua lợn về tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN