Đây là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất cho ngành chăn nuôi lợn hiện nay và đã xuất hiện ở ngay nước láng giềng Trung Quốc.
Nguy cơ lây lan và bùng phát nhanh
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh ASF được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Kenya vào năm 1921 và sau đó lây lan ra nhiều nước. Tính đến ngày 10/9, đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo xuất hiện ổ dịch bệnh lây nhiễm. Tại Trung Quốc, hiện đã có 14 ổ dịch được phát hiện tại 6 tỉnh và đang có xu hướng lây lan xuống các tỉnh phía Nam của nước này (giáp Việt Nam).
Tiến sĩ Mateo del Pozo, chuyên gia của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh này không lây sang người, chỉ là bệnh xuất huyết nặng trên lợn, nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin cũng như giải pháp điều trị hiệu quả. Loại vi rút gây bệnh này tồn tại rất lâu, cộng với cơ chế lây nhiễm cả trực tiếp và gián tiếp nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ chết đối với lợn nhiễm bệnh lên đến 100% nên dịch bệnh này gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho người dân cũng như các nước có dịch bùng phát.
Mặt khác, mặc dù bệnh này không lây sang người, nhưng con người có thể là tác nhân truyền bệnh. Bởi lẽ, vi rút gây bệnh này có thể bám trên quần áo du khách hay trong sản phẩm thịt (kể cả đã qua chế biến chín) du khách mang theo khi đi du lịch. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vi rút này đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc.
Với diễn biến trên, các chuyên gia cho rằng, tuy chưa ghi nhận dịch bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh này là rất cao. Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới rất rộng. Hầu như ở Trung Quốc có dịch bệnh gì thì ở Việt Nam xuất hiện dịch bệnh đó. Đây là điều rất đáng lo ngại khi ngành chăn nuôi mới chỉ phục hồi sau cơn bão giá.
Theo đánh giá của Cục Thú y, việc xuất hiện và lây lan nhanh là nguy cơ tiềm ẩn đối với đàn lợn của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, do giá lợn hơi từ Trung Quốc thấp hơn Việt Nam khá nhiều nên lợn sống từ Trung Quốc rải rác được vận chuyển qua các cửa khẩu phía Bắc. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 7/2018, hàng ngày có một lượng lợn Thái Lan vào Campuchia, sau đó được vận chuyển về các tỉnh biên giới Tây Nam như Long An, An Giang… Cộng thêm yếu tố lây lan qua đường du lịch, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và kịp thời, đại dịch ASF sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh
Theo ông Anan Lertwilai, Trung tâm Chẩn đoán và Cố vấn thú y thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, do chưa có vắc xin đặc trị nên biện pháp duy nhất để đối phó với dịch bệnh ASF là phát hiện sớm ổ dịch và tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh. Còn đối với Việt Nam, vì chưa xuất hiện ổ dịch nên ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh.
Nghiên cứu về dịch bệnh ASF cho thấy việc lây lan bệnh chủ yếu qua đường hàng không. Bệnh lây nhiễm từ châu Phi qua châu Âu, châu Mỹ được ghi nhận là từ thực phẩm dư thừa của các chuyến bay. Mới đây, ở Hàn Quốc đã phát hiện thịt lợn trong túi du khách mua từ Trung Quốc có chứa vi rút gây bệnh ASF ngay tại sân bay… Do vậy, phải kiểm soát được việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn thì mới tránh được mầm bệnh xâm nhập.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét việc tạm ngưng nhập khẩu và các hoạt động tạm nhập tái xuất thịt lợn, nhất là từ những nước đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi như Ukraina, Ba Lan... Đồng thời, nhà nước cần xây dựng ngay chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi xảy ra dịch ASF ở Việt Nam, để việc tiêu hủy được nhanh chóng, triệt để ngay từ đầu.
Cũng theo các chuyên gia, do vi rút gây bệnh tồn tại khá lâu trong các sản phẩm thịt nên Việt Nam cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, các phương tiện vận chuyển. Đồng thời, tăng cường giám sát lâm sàng với đàn lợn, kịp thời phát hiện và cách ly con bệnh.
Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục Trưởng Cục thú y cũng cho biết: Hiện Cục Thú y đang phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn không cho mầm bệnh dịch tả châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.
Riêng tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn, tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp nhập lậu về Việt Nam. Để ngăn chặn dịch ASF, tất cả những trường hợp nhập khẩu lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn từ Trung Quốc, thậm chí cả hình thức quà tặng, quà biếu đều sẽ bị bắt giữ và xử lý tiêu huỷ. Trước khi tiêu huỷ sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm vi rút dịch tả châu Phi.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Cục thú y đã dự thảo công điện gửi các địa phương để có động thái quyết liệt hơn trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này. Các địa phương cần phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 kiểm soát kĩ nguy cơ lây lan qua vận chuyển, mua bán nhập lậu không rõ nguồn gốc, kể cả thịt chế biến và sản phẩm cho biếu tặng.
Cục Thú y cũng đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đi trên các phương tiện giao thông từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt lợn nếu hành khách mang theo. Các hoạt động thương mại du lịch giữa các nước đang lưu hành dịch cũng sẽ được tăng cường quản lý trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 30/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; trong đó, yêu cầu các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương. Nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh ASF, hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến hi cục thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh…