Chính quyền tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản, nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên và đã tiến hành tiêu hủy hàng trăm con lợn, đã hoàn tất việc khử trùng nông trại và một cơ sở biệt lập, nơi phân bón bị nghi ngờ có nhiễm virus dịch tả lợn được chuyển tới.
Trong khi đó, mặc dù Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt lợn trên khắp cả nước sau khi dịch bùng phát, song hoạt động vận chuyển các chuyến hàng tới Hong Kong (Trung Quốc) đã nối lại trong ngày 11/9 ngoại trừ những chuyến hàng xuất phát từ Gifu. Các đơn hàng xuất khẩu thịt lợn còn lại có thể được thực hiện nếu có sự đồng ý của các nước nhập các sản phẩm thịt lợn Nhật Bản.
Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của Nhật Bản trong năm ngoái đạt 1 tỷ yen (9 triệu USD), trong đó Hong Kong là thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm tới 600 triệu yen (hơn 5 triệu USD).
Trước đó, chính quyền tỉnh Gifu thông báo một con lợn đã đột ngột chết tại một nông trại ở tỉnh vào ngày 3/9 vừa qua. Kết quả các xét nghiệm sau đó đều khẳng định mẫu phẩm dương tính với virus tả lợn. Khoảng 80 con lợn đã chết, trong khi 610 con khác đã được tiêu hủy để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, có tốc độc lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết cao. Bệnh này do một loại virus thuộc họ Flaviviridae, giống Pestivirus gây ra. Virus tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Tuy nhiên, căn bệnh này không lây sang người kể cả khi tiêu thụ thịt nhiễm bệnh.
Mặc dù dịch tả lợn là căn bệnh đặc trưng của châu Á, song đây là lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản trong hơn 20 năm qua kể từ khi dịch này bùng phát tại tỉnh Kumamoto vào năm 1992. Nhật Bản sau đó đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn virus này vào năm 2007.