Ngày 18/4, tại Hội nghị triển khai Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương tập trung vào công tác quản lý tốt đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi.
Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ nuôi chó, thực hiện tốt công tác tiêm phòng. Cả nước phấn đấu đến năm 2021 cơ bản sẽ khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại.
Quang cảnh nghị. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở Việt Nam trung bình mỗi năm có trên 70 người chết vì bệnh dại và gần 400.000 người bị chó cắn phải đến cơ sở điều trị, gây tốn kém khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm cho người dân.
Hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi, gần 3,9 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con. Cả nước chỉ có 14/63 địa phương tiêm phòng dại đạt trên 70% đàn chó nuôi.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, cả nước ta đã ghi nhận trên 411.000 người bị chó cắn, 91 người tử vong tại 28 tỉnh thành. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có 12 người tử vong do bệnh dại tại 8 tỉnh, thành phố.
Nguyên nhân chính là do, công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa tổ chức thống kê chính xác đàn chó nuôi, chưa lập sổ quản lý đàn chó nuôi theo quy định, chưa tổ chức nuôi nhốt, xích chó nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó chưa triệt để; chưa chủ động được nguồn cung ứng và chưa giảm được giá thành vắcxin, vắcxin vẫn phải nhập ngoại gây tốn kém cho công tác phòng chống bệnh dại.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt tập trung vào công tác quản lý tốt đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, hạn chế lây truyền bệnh dại, giảm thiểu số người bị chó cắn và số người tử vong do bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021.
Theo đó, Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 phấn đấu: Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó, tỷ lệ tiêm phòng vắcxin dại đạt trên 85% tổng đàn chó, trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp, giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh dại trên người, tiến tới giảm 60% số người tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2021.
Tại hội nghị lần này, đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận về công tác phòng chống dịch như công tác xây dựng vùng an toàn bệnh dại; công tác phối hợp trong việc phát hiện dịch bệnh, thực hiện bao vây dịch bệnh; tăng cường năng lực thể chế và nâng cao sự phối hợp truyền thông liên ngành để phòng chống và kiểm soát bệnh dại hiệu quả tại Việt Nam và những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh dại.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An và nhiều đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: địa hình khó khăn, dân cư phân tán rải rác nên phần lớn đàn chó nuôi đều theo phương thức nuôi thả rông, không xích nhốt.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về bệnh dại còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh dại, không chấp hành tiêm phòng dại cho chó… Điều này khiến cho bệnh dại vẫn đang lưu hành và lây lan dịch bệnh.