'Mê hồn trận' số nhà

Nhiều ngõ, phố, số nhà đánh tùy hứng hay có quá nhiều số đang gây khó khăn cho người dân đô thị.

Toát mồ hôi tìm nhà


Anh Phan Vũ Trung, nhà phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Tuyến đường Võ Chí Công mới thông xe nhưng số nhà tại đây không theo quy tắc nào. Ví dụ liền kề nhà 40 là nhà số 68. Do vậy, khi chỉ dẫn cho khách giao dịch phải miêu tả đoạn đường, thậm chí phải ra ngoài vỉa hè đón khách.

Hai nhà sát nhau trên đường Võ Chí Công (Hà Nội), nhà gắn biển 40, nhà gắn biển 68.

Còn chị Nguyễn Thanh Hà, một hộ kinh doanh phố Láng Hạ (Hà Nội) vẫn giữ lại số nhà cũ để làm ăn "thuận buồm xuôi gió". Khi bị nhắc nhở, tôi gắn cả biển số cũ cùng với biển số mới”, chị Hà cho biết.


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng biển số nhà lộn xộn diễn ra nhiều nơi, nhất là trên tuyến đường mới mở, như các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Yên Lãng, Xã Đàn, đường vành đai 1... Người dân tự treo biển số nhà theo ý thích, theo phong thủy, số nào hợp tuổi thì gắn cho nhà mình. Việc đặt tên đường, phố thường thực hiện sau khi mở đường khoảng 2 năm nên trong thời gian đó, người dân đã tự gắn số nhà với nhiều dạng khác nhau.


Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, có số nhà quá nhiều ngách đến nỗi chủ nhà khi đi làm các giao dịch... phải lưu sẵn số nhà trong điện thoại hoặc ghi lại trên giấy vì không thể nhớ nổi. Có mặt tại đầu đường hẻm số 1806, đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên báo Tin Tức gặp một người chạy xe ôm để xin hướng dẫn đến địa chỉ nhà số 1806/127/2/6/15/48/5, ông mách nước: “Mấy anh chạy một đoạn dài đến khi gặp con hẻm được người dân vẽ chữ số 1806/127... thì quẹo vào. Nhưng tới đó thì gặp ai phải hỏi liền, chứ đừng thấy tẻ nhánh, mở thêm một xuyệt (gạch chéo) mà đi vào thì tìm đến tối cũng không ra địa chỉ đâu”.


Quả đúng như lời cảnh báo, chúng tôi phải vừa đi, vừa hỏi kĩ lưỡng và mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới tìm tới căn nhà “đeo” biển số dài kỷ lục nói trên. Trò chuyện với những người dân sinh sống nơi đây, họ cho rằng với số nhà “độc nhất vô nhị”với 5 - 6 gạch chéo để chỉ ngách đã gây không ít phiền toái.


Bà Nguyễn Thị Thanh Trang, nhà số 1806/127/2/6/15/48B, chia sẻ: “Lúc mới về đây ở, những lần đầu đi đóng tiền điện, nước... nhân viên thu ngân hỏi địa chỉ, tôi lấy điện thoại ra đọc một lèo số địa chỉ. Lúc đó cô nhân viên nhìn tôi ngơ ngác như tôi ở trên trời rơi xuống vậy. Còn mấy người chờ đóng tiền thì cười rần rần khiến tôi mắc cỡ quá. Rút kinh nghiệm, mỗi lần đi giao dịch thanh toán, tôi viết sẵn địa chỉ ra giấy để đưa luôn cho họ đọc”.


Trước tình hình trên, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND huyện Nhà Bè khẩn trương lập phương án, kế hoạch cụ thể để giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng số nhà nhiều gạch chéo khu vực hẻm 1806, đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè.


Theo ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, việc phát sinh số nhà nhiều gạch chéo ở thị trấn Nhà Bè là do địa bàn có nhiều tuyến hẻm gấp khúc đã hình thành từ lâu, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện những việc liên quan đến số nhà. Do vậy, UBND huyện đang rà soát những tuyến hẻm và điều chỉnh số nhà cho phù hợp.


 Đề xuất phương án đánh số nhà thông minh


Tình trạng số nhà không ổn định, không đúng quy định vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực quận ven, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và các giao dịch của người dân. Cá biệt, có địa chỉ nhà chứa tới 14 chữ số.


Theo TS Đinh Tiến Sơn, đại diện liên doanh Công ty Hanel - Trung tâm phần mềm Quang Trung - VBD, từ cách đặt số nhà đang áp dụng đã dẫn đến tình trạng số mới cho một nhà mới chèn thêm giữa hai nhà đã tồn tại; thay đổi số nhà ở mặt tiền kéo theo phải thay đổi số nhà trong hẻm; khó định vị nhà khi tìm địa chỉ dẫn đến hạn chế tốc độ lưu thông; ảnh hưởng đến công tác cứu hỏa, cứu thương, an ninh trật tự xã hội... Chính vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu phương án cấp số nhà thông minh, không chỉ giải quyết được những bất cập nói trên mà còn giúp cho công tác quản lý địa bàn dân cư trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.


Phương pháp cấp số nhà mới là dùng khoảng cách tính từ đầu mỗi con đường đến mép mỗi nhà và chia chẵn, lẻ ở bên phải, trái. Nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường bao nhiêu mét thì mã nhà sẽ là số chẵn gần nhất và tương tự cho mã nhà bên lẻ. Ví dụ, một ngôi nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường 40 m sẽ có mã nhà là 40.


Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho rằng cách làm này thuận lợi vì tuyến chính chỉ có số và không còn chữ như 2A, 2Bis; đồng thời không còn tình trạng trùng số nhà trên một tuyến đường. Đặc biệt là nếu áp dụng phương án này thì những số nhà cũ sẽ không đổi, không gây xáo trộn cuộc sống, công việc của nhân dân, doanh nghiệp mà vẫn có thể cấp thêm mã mới.


Từ phương án này, bước tiếp theo là xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nhà cho toàn thành phố. Bởi việc gắn mã nhà sẽ cung cấp thêm thông tin cơ bản của công trình về căn nhà đó như: Quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, năm xây dựng, loại nhà, diện tích... nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.


Thực trạng số nhà lộn xộn hiện nay không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn gây trở ngại về mặt quản lý. Theo quy định hiện hành, việc gắn số nhà có trách nhiệm liên quan của các sở xây dựng, tài chính và UBND phường, xã, thị trấn.


Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát và bổ sung vào kế hoạch đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng cho toàn bộ các tuyến đường, phố đã được đặt tên từ năm 2015 trở về trước nhưng chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thành.


Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, để việc gắn biển số nhà đi vào nền nếp, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch đặt tên, đổi tên đường phố hằng năm đồng bộ với đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa hiện nay. Để việc gắn biển số nhà được thực hiện theo đúng chủ trương của thành phố, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa Thể thao trong việc kiểm tra, khảo sát hiện trạng khi đặt tên đường, phố; của Sở Tài chính trong việc hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xây dựng và bố trí ngân sách thực hiện gắn biển số nhà, để công việc này nhanh chóng đi vào nền nếp.


Xuân Cường - Anh Đức
Hoa mắt với số nhà trong hẻm
Hoa mắt với số nhà trong hẻm

Do địa chỉ nhà có quá nhiều xuyệt (gạch chéo), nhiều chủ nhà còn không thể nhớ nổi số nhà của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN