Lo thất thu, bệnh viện “ngại” công nhận xét nghiệm lẫn nhau

Nhiều lãnh đạo chưa quan tâm đến kiểm soát chất lượng xét nghiệm, nhân lực cho công tác này còn yếu và thiếu, trang thiết bị cũ, thậm chí còn sợ ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện... Đó là những vướng mắc làm chậm tiến độ công nhận xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở y tế.

Bệnh viện tư nhân ngoại kiểm nhiều hơn công lập

Tại Hội nghị “Kiểm soát chất lượng xét nghiệm” do Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, theo quy định, các cơ sở thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm hằng năm và kế hoạch 5 năm về thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm. Đồng thời, phải tham gia các chương trình ngoại kiểm nhằm kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm của đơn vị với kết quả xét nghiệm của nhiều phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, cung cấp bằng chứng công nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, hiện mới chỉ có 1/3 số cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm. Tín hiệu mừng là đơn vị nào tham gia ngoại kiểm thì chất lượng xét nghiệm đều khởi sắc, khắc phục được những sai sót liên quan đến vấn đề nhân lực, máy móc... hoặc đôi khi chỉ do nguồn nước chưa đảm bảo.

“Đáng nói, bệnh viện tư nhân tham gia chương trình ngoại kiểm nhiều hơn, chất lượng cũng tốt các bệnh viện công lập. Cơ bản, họ nhận thức được có kiểm soát chất lượng, xây dựng được thương hiệu thì mới thu hút bệnh nhân; còn bệnh viện công thì đã được bao cấp”, GS.TS Tạ Thành Văn chia sẻ.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, nếu phòng xét nghiệm (PXN) tham gia đầy đủ các chương trình ngoại kiểm thì chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm. Do đó, vấn đề kinh phí cũng là một áp lực đối với các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu vùng xa, nơi có ít bệnh nhân (dù hoạt động kiểm chuẩn xét nghiệm đã được tính vào phí dịch vụ y tế và được quỹ BHYT chi trả).

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn trong công tác ngoại kiểm, chuẩn hóa công tác xét nghiệm tại các cơ sở y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho hay, đến nay, nhận thức về quản lý xét nghiệm của lãnh đạo nhiều đơn vị còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; nhân lực cho công tác này còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng, có bệnh viện còn sử dụng cả điều dưỡng làm công tác xét nghiệm. Đặc biệt, đầu tư nguồn lực cho công tác đảm bảo chất lượng của các phòng xét nghiệm còn hạn chế. Trang thiết bị phần lớn cũ, thiếu, đầu tư manh mún.

Không nhiều cơ sở y tế có hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại như Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

“Nhiều khi việc chỉ định xét nghiệm không hẳn do kết quả xét nghiệm chưa tin cậy mà còn do e ngại ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Do đó, trong hướng dẫn tới đây, Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể những xét nghiệm nào cần làm lại, xét nghiệm nào có thể duy trì lâu dài”, ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.

Không ngoại kiểm, không thanh toán BHYT

Đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đang tiến hành rà soát thống kê số lượng và chất lượng các PXN trên toàn quốc. Sau đó, sẽ công khai danh sách các địa phương có tỷ lệ cơ sở tham gia ngoại kiểm xét nghiệm thấp. Báo cáo mới đây tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tại một số tỉnh, tỷ lệ cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm chỉ đạt 10% cho dù quy định thực hiện đã ban hành gần 4 năm.

Thực hiện Quyết định số 316/TTg - 27/12/2016 của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để chậm nhất đến 2018 liên thông kết quả XN đối với PXN thuộc bệnh viện hạng ĐB, hạng 1 và tương đương (như BV Việt Đức, BV Bạch Mai...); Đến 2025 liên thông kết quả XN đối với các PXN trên phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, các cơ sở y tế phải chủ động đảm bảo cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, tham gia kiểm định... để được cấp chứng nhận chất lượng PXN. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ ban hành những quy định về công nhận kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị y tế.

Trước lo ngại về vấn đề nhân lực làm xét nghiệm, ông Khoa cho biết: “Để được công nhận PXN đạt tiêu chuẩn, các cơ sở cũng phải đảm bảo các tiêu chí về nhân lực bệnh viện. Do đó bằng mọi cách, các cơ sở phải khắc phục khó khăn để các kết quả xét nghiệm đảm bảo chính xác, thực hiện đúng lộ trình các BV công nhận kết quả lẫn nhau, giảm chi phí, phiền hà cho người bệnh”.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa thêm tiêu chí về xét nghiệm vào Chương trình kiểm tra chất lượng bệnh viện cuối năm, dự kiến các tiêu chí này sẽ chiếm khoảng 10% tổng số tiêu chí kiểm tra bệnh viện. Bộ sẽ tổ chức đánh giá, chứng nhận và công khai mức chất lượng PXN. Nếu các PXN tại các cơ sở y tế không tham gia chương tình ngoại kiểm định kỳ hàng năm thì Bộ Y tế sẽ xem xét không thanh toán chi phí BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

“Hiện nay, giá xét nghiệm không lệ thuộc chất lượng xét nghiệm. Do đó tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị với liên bộ (Bộ Tài chính - BHXH Việt Nam) về việc đưa ra các mức giá tương đương với chất lượng xét nghiệm. Như vậy, các cơ sở y tế sẽ có động lực hơn trong việc nâng cao chất lượng xét nghiệm. Bộ Y tế kiên quyết, PXN phải đảm bảo chất lượng thì mới cho phép hoạt động”, ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định.
Phương Liên
Phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm nhờ xét nghiệm tự động hóa
Phát hiện sớm nhiều bệnh nguy hiểm nhờ xét nghiệm tự động hóa

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 giúp rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, đồng thời tiết giảm được nhân sự cho bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN