Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn cục bộ tại khu vực xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (trên 100 mm) ngày 22/10 đã làm 9 nhà bị cuốn trôi, 87 nhà bị ngập nước; ngập 96,6 ha lúa, 6,6 ha hoa màu, vỡ 4,4 ha ao cá, cuốn trôi 5,7 tấn cá; 1 cầu sắt bản Lằng bị cuốn trôi, 700 m tỉnh lộ 153 bị sạt lở ta-luy âm, hư hỏng 1 nhịp cầu bản Nà Đình; gãy đổ 9 cột điện.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ xuống hiện trường cùng lực lượng địa phương chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại khu vực xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; huy động lực lượng tại chỗ và các xã lân cận giúp các gia đình bị thiệt hại di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, cử người cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập gây ách tắc cục bộ.
Tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, mưa lớn cục bộ tại khu vực xã Bắc Quang, Bản Rịa... (lượng mưa từ 60-90 mm) đã làm 1 người chết, 1 người mất tích do lũ cuốn trôi (đang xác định danh tính); sạt lở đất làm sập 7 nhà ở thôn Bản Rịa.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quang Bình đã chỉ đạo UBND xã Bản Rịa huy động lực lượng dân quân, công an xung kích tìm kiếm người mất tích. UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã đã huy động lực lượng tại chỗ di chuyển người và thu dọn tài sản, giúp khắc phục hậu quả.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, triều cường tại Đồng bằng sông Cửu Long, gió mùa Đông Bắc tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện theo nội dung Công văn số 170/TWPCTT ngày 19/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc khắc phục hậu quả lũ và ứng phó với triều cường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư bị ngập nước.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, gió mùa Đông Bắc, mưa lớn diện rộng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để kịp thời chỉ đạo, ứng phó.
Theo Văn phòng thường trực Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lúc 4 giờ ngày 23/10, tại toạ độ 10009 độ Bắc -114038 độ Đông (cách phía Đông Nam đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa khoảng 21 hải lý), tàu cá PY 96279 TS TS/03 LĐ bị nước tràn vào khiến tàu bị chìm phần sau lái. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Tàu bị nạn được tàu PY 96977 TS tới trợ giúp. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Bộ Tham mưu Hải quân, Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ tàu bị nạn. Lúc 9 giờ cùng ngày, tàu bị nạn chìm, các ngư dân trên tàu đã được tàu PY 96977 TS cứu hộ an toàn.
Lúc 10 giờ 5 phút ngày 23/10, tại tọa độ 08032 độ Bắc -104002 độ Đông (cách phía Đông Bắc đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang khoảng 60 hải lý), tàu Humming Bird (Quốc tịch Australia) hành trình từ cảng Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Thái Lan đã phát hiện và cứu được 4 người Việt Nam. Thuyền trưởng tàu Humming Bird đề nghị hỗ trợ. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thống nhất và hướng dẫn tàu Humming Bird chạy về đảo Thổ Chu để bàn giao 4 người Việt Nam. UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp tổ chức tiếp nhận 4 người Việt Nam khi tàu cập đảo Thổ Chu, bảo đảm chặt chẽ, đúng thủ tục, thông lệ quốc tế.