Theo bà Yến, lúc 7 giờ 30 phút ngày 3/6, ngành y tế Lâm Đồng ghi nhận 13 trường hợp du khách người Việt Nam bị rối loạn tiêu hóa nghi do ngộ độc thực phẩm trong tổng số 48 khách du lịch của đoàn thứ nhất.
Đến 8 giờ 20 phút cùng ngày, tiếp tục ghi nhận 28 trường hợp (người Myanma) trong đoàn khách du lịch khác được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm vào khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.
“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiếp đón, khám, cấp cứu, điều trị tích cực và kịp thời cho bệnh nhân; khẩn trương tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, xác minh thông tin và điều tra nguyên nhân; lấy các mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp xử lý” - bà Yến cho biết.
Diễn biến và kết quả xác minh cụ thể như sau: Đoàn thứ nhất, có 48 khách, ăn bữa sáng ngày 1/6 tại Đồng Nai rồi lên Đà Lạt. Sau đó đoàn ăn bữa tối ngày 1/6, ăn ngày 3/6/2017 tại 3 nhà hàng khác nhau tại thành phố Đà Lạt. Tại các nhà hàng này, vào các bữa ăn mà đoàn đến ăn, đã phục vụ tổng số 42 đoàn khách với 1.468 lượt khách ăn.
Đoàn thứ hai, có 41 khách gồm 1 người Việt Nam và 40 người Myanmar, ăn bữa sáng ngày 1/6 tại thành phố Hồ Chí Minh, ăn bữa trưa ngày 1/6 tại khu du lịch Trà Khú (tỉnh Bình Thuận). Sau đó đoàn ăn bữa tối 1/6, bữa sáng ngày 2/6 tại Khu du lịch Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận) sau đó lên Đà Lạt. Bữa trưa và bữa tối ngày 2/6, ăn tại 2 nhà hàng tại Đà Lạt. Tại các nhà hàng này, vào các bữa ăn mà đoàn đến ăn, đã phục vụ 34 đoàn khách với 1.286 khách ăn.
13 khách của đoàn thứ nhất và 28 khách của đoàn thứ hai nghi bị ngộ độc thực phẩm đều được khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú kịp thời, ổn định và xuất viện ngay trong ngày, không có trường hợp phải điều trị nội trú. Nhận định sơ bộ, đây là các trường hợp rối loạn tiêu hóa nghi do ngộ độc thực phẩm, chưa xác định được cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên. Hiện tại vẫn chưa có kết quả xét nghiệm.
Trong quá trình kiểm tra, xác minh, các đoàn công tác đã yêu cầu trưởng các đoàn du lịch, chủ khách sạn nhà hàng thông báo và tiếp tục theo dõi các thành viên trong đoàn. Các khách du lịch nếu có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm cần đến cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị và không ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân mới.
Bà Yến thông tin thêm, đối với các nhà hàng, khách sạn có phục vụ các bữa ăn, Sở Y tế Lâm Đồng đã yêu cầu tiếp tục đảm bảo các điều kiện vệ sinh cơ sở và thực hiện kiểm thực 3 bước đúng quy định.
Sở Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Hiện tại, Sở Y tế Lâm Đồng vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn tại các nhà hàng phục vụ những du khách trên từ Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.