Cuối tuần qua, báo Tin Tức có loạt bài phản ánh về tình trạng cá tầm Trung Quốc nhập lậu với số lượng lớn vào thị trường trong nước, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đặt ra nhiều vấn đề về kiểm soát thực phẩm nhập lậu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về thực tế này cũng như các biện pháp mà bộ đang triển khai để hạn chế cá tầm nhập lậu.
Cá tầm hiện được nuôi nhiều tại Tây Nguyên. Ảnh: CTV |
´Thời gian qua, có thông tin cho rằng cá tầm Trung Quốc tràn vào Việt Nam được gắn mác cá tầm Việt Nam, trong khi người tiêu dùng không phân biệt được đâu là cá Việt “xịn” đâu là cá nhập lậu. Xin bà cho biết thực hư về vấn đề này?
Trước những thông tin về việc nhập lậu cá tầm, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc xác minh. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng nhập lậu cá tầm vào Việt Nam là có thực. Việc nhập lậu chủ yếu được thực hiện qua một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… song, vẫn chưa rõ quy mô, đường dây vận chuyển cụ thể ra sao. Có khả năng mỗi ngày có hàng tấn cá tầm nhập lậu về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tại tỉnh Lào Cai, thời gian qua lực lượng chức năng đã thu giữ tiêu hủy 2.600 kg cá tầm nhập lậu. Từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã xử lý 11 vụ buôn bán vận chuyển trên 8.000 kg cá tầm, cá quả, cá trê, ếch nhập lậu.
Việc nhập khẩu, vận chuyển cá tầm hiện nay không được kiểm soát. Hiện tại cá tầm là sản phẩm chịu sự quản lý của Cites, mà Cites khẳng định chưa cấp giấy phép nhập khẩu cho bất cứ DN nào từ trứng, giống. Vì vậy, mọi sản phẩm cá tầm thương phẩm nhập vào nước ta hiện đều là nhập lậu.
Điều đáng nói nhất là, trứng cá tầm và cá tầm giống hiện được nhập vào nội địa bằng đường hàng không. Đây là con đường được kiểm soát gắt gao nhất, thế nhưng trứng và cá tầm giống lại “đường hoàng” đi qua các cửa khẩu sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vào nội địa và chúng ta không chặn được.
´Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã được Bộ NN&PTNT giao lấy mẫu cá tầm nhập lậu để kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm. Đến giờ đã có kết quả kiểm tra chưa, thưa bà?
Nhiều thông tin cho rằng, cá tầm Trung Quốc chỉ được nuôi trong thời gian rất ngắn nhưng trọng lượng đạt cao nên có nhiều nguy cơ tồn dư chất tăng trọng trong thịt. Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã tiến hành lấy các mẫu cá tầm, cá quả, cá trê nghi ngờ nhập lậu từ Trung Quốc để kiểm định chất lượng. Đến nay, đã có kết quả kiểm tra định tính, hiện đang chờ kết quả kiểm tra định lượng cuối cùng. Chúng tôi yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẩn trương công bố kết quả để người dân biết. Nhiều người nghi ngờ cá tầm Trung Quốc có chất kích thích tăng trưởng. Cục cũng sẽ kiểm tra nguy cơ sinh vật lạ, bệnh lạ trên cá tầm, cá lóc, cá trê, cá quả nhập lậu.
´Xin bà cho biết, có hay không việc một số cơ sở nuôi cá tầm của ta “tiếp tay” cho thương nhân Trung Quốc “rửa” cá tầm lậu thành cá nội địa?
Hiện nay, có thông tin cho rằng, có tình trạng thương nhân Trung Quốc bắt tay với một số cơ sở nuôi cá tầm của ta để đưa cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam để “rửa” thành cá tầm Việt. Nếu xảy ra tình trạng này, ngành sản xuất cá nước lạnh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng tôi đang đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra, xử lý theo pháp luật những trường hợp phi pháp, nhằm bảo vệ nghề nuôi cá nước lạnh trong nước cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.
´Thưa bà, Bộ NN&PTNT có giải pháp gì kiểm soát tình hình nhập lậu cá tầm?
Nếu buông lỏng quản lí, DN sẽ được đà vi phạm. Chúng tôi đã yêu cầu, Cục Thú y triển khai ngay việc quản lý sản phẩm này tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các lô hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc bị tiêu hủy. Không thể để tình trạng cá tầm được vận chuyển với số lượng lớn, phổ biến như vậy mà lại không được kiểm soát. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản sẽ kiểm tra các cơ sở nuôi cá tầm trong nước ở khu vực biên giới, kê khai, giám sát theo quy định như nguồn gốc giống, ngăn ngừa tình trạng trung chuyển sản phẩm nhập lậu.
Việc kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở nuôi hiện nay là không khó, nhất là số lượng cơ sở nuôi loại cá này không nhiều. Nếu là cá tầm nuôi trong nước thì phải vận chuyển từ miền Trung ra Bắc chứ không thể có chuyện vận chuyển từ Bắc vào miền Trung, Nam để tiêu thụ như hiện nay.
Nhật Minh (thực hiện)