Chặn cá tầm nhập lậu - Bài 1:

Cá tầm nhập lậu tràn lan

Hiện nay, cá tầm lậu vẫn tiếp tục tràn vào trong nước. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nuôi, kinh doanh cá tầm mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Hiệp hội phát triển cá nước lạnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an cùng một số địa phương khu vực biên giới phía Bắc triển khai một số biện pháp để chặn tình trạng nhập lậu cá tầm.


 

Cá tầm nhập lậu đang làm ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi cá tầm trong nước. Ảnh: Nguyễn Dũng

 

Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam, các nhà sản xuất nuôi trồng cá tầm tại Tây Nguyên, các nhà phân phối thủy hải sản đã khẩn thiết gửi đơn lên Chính phủ và một số bộ, ngành kiến nghị chống nhập lậu cá tầm không rõ nguồn gốc. Theo hiệp hội này, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu qua biên giới phía Bắc, sau đó được vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau để tuồn vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.


Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc Trung tâm thủy sản Lào Cai, cá hồi, cá tầm có mặt tại Sa Pa (Lào Cai) từ năm 2005 với mô hình nuôi thử nghiệm ban đầu chỉ vài tấn cá thương phẩm/năm. Đến nay, mô hình nuôi cá nước lạnh đã được nhân rộng trên toàn tỉnh, trong đó phát triển mạnh ở Sa Pa với hơn 30 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm và cá giống sản lượng đạt trên 150 tấn mỗi năm.


Tuy nhiên, hiện các cơ sở này đang phải đối mặt với khó khăn do tình trạng cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào nội địa, bán với giá rẻ. Cụ thể, tại thị trường Lào Cai, cá tầm lậu chỉ có giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Tinh vi hơn, để đánh lừa người tiêu dùng, cá tầm sau khi nhập lậu qua biên giới vào Lào Cai còn được đưa lên Sa Pa trộn với cá tầm nuôi tại đây để tiêu thụ với mác “cá tầm nội”. Gần đây, cá tầm lậu còn trắng trợn “đi” thẳng về các tỉnh, thành miền xuôi với danh nghĩa cá tầm Sa Pa và đã có không ít người tiêu dùng bị mắc lừa.


Còn theo Hiệp hội phát triển cá nước lạnh, trong thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng từ 2 - 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP.HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Giá loại cá tầm này tại thị trường TP.HCM dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá cá tầm trong nước. Theo ông Trần Văn Hào, đại diện Hiệp hội phát triển cá nước lạnh, cá tầm lậu giá rẻ này không chỉ làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm được sản xuất trong nước mà còn khiến hàng nghìn nông dân bị mất việc làm, còn người tiêu dùng thì hoang mang.


Hiệp hội này cũng khẳng định, tất cả các sản phẩm cá tầm trong nước không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào TP.HCM bằng đường hàng không. Lý do là bởi các nhà sản xuất cá tầm tại miền Bắc hiện nuôi với quy mô nhỏ, sản lượng thấp, chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc. Hơn nữa, giá cá tầm bán sỉ tại hồ hiện ở miền Bắc phổ biến ở mức 150.000 - 160.000 đồng/kg nên nếu cá tầm miền Bắc được vận chuyển vào miền Nam thì giá không thể thấp hơn giá bán sỉ được. Hiện nay, các nhà nuôi cá tầm lớn tại Tây Nguyên cũng khẳng định, chi phí vận chuyển cá tầm bằng đường bộ từ Tây Nguyên vào các tỉnh phía Nam rẻ hơn nhiều so với chi phí vận chuyển bằng đường hàng không. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng khẳng định, cơ quan này chưa hề cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất cứ đơn vị hay cá nhân nào.


Trước thực trạng này, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh đề nghị Chính phủ cần có thêm những biện pháp mới, đồng bộ như chống nhập lậu cá tấm như chống nhập lậu gia cầm; tăng cường trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu, các cảng hàng không, nhất là cảng hàng không Nội Bài, cảng sông, cảng biển để kiểm tra, ngăn chặn việc nhập lậu cá tầm không rõ nguồn gốc. Hiện có dấu hiệu cho thấy một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu cá Trung Quốc rồi dùng các trang trại nuôi cá tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa cá tầm Việt Nam. Do đó, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở nuôi cá tầm đăng ký với cơ quan chức năng để tiện theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để chặn đứng tình trạng cá tầm lậu tràn vào nội địa, chính bản thân các cơ sở nuôi cá tầm trong nước cũng cần phải chủ động xây dựng thương hiệu thông qua uy tín, chất lượng sản phẩm; đồng thời tìm cách giảm giá thành chăn nuôi. Có như vậy, sản phẩm cá tầm Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh bền vững với loại cá nhập lậu.

 


Lục Văn Toán - Huyền Tím


'Rửa' cá tầm Trung Quốc thành Việt Nam?

Đầu tháng 6/2013, một chủ trang trại nuôi cá tầm ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hành vi “rửa” cá tầm Trung Quốc của một doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN