Chặn cá tầm nhập lậu

Cá tầm Trung Quốc rẻ vì sao?

Gạt ra bên ngoài tính bất hợp pháp cũng như những lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của cá tầm Trung Quốc, người tiêu dùng trong nước có quyền đặt câu hỏi, tại sao giá loại cá nhập lậu này lại rẻ đến vậy?

 

Bể nuôi cá tầm của Công ty cổ phần Hợp Long - Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

 

Trước đây, vào quán ăn, nhà hàng gọi món cá tầm, thực khách phải trả từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, thậm chí là đắt hơn nữa. Khi cá tầm lậu của Trung Quốc tràn vào nội địa, người tiêu dùng một phen ngỡ ngàng khi loại cá đặc sản này được bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá cá tầm Trung Quốc “bèo” như vậy là bởi rất nhiều lý do. Theo ông Điền, lý do trước tiên là các địa phương của Trung Quốc có kinh nghiệm trong nghề này. Theo đó, cá tầm đã được đưa vào nuôi tại nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc, trong đó có những địa phương giáp với biên giới Việt Nam như Quảng Tây.


Theo ông Điền, phát triển song song với nghề nuôi cá tầm, nghề chế biến thức ăn cho loại cá này cũng rất phát triển ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở nước này cũng đã tự sản xuất được thức ăn cho cá tầm với giá bán tương đối rẻ, chỉ bằng 60% giá cám cho cá tầm mà Việt Nam phải nhập về. Trong điều kiện đó, giá thành chăn nuôi cá tầm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg.


Còn theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách nông nghiệp, không ngoại trừ việc nước này có chính sách ưu tiên dành cho nghề nuôi cá tầm. Và đây cũng có thể là lý do khiến giá loại cá đặc sản này có giá khá mềm.


Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chủ một doanh nghiệp nuôi cá tầm thuộc loại lớn nhất tỉnh Lai Châu cho biết, giá thành nuôi cá tầm tại doanh nghiệp này hiện ở mức 150.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thành nuôi cá tầm của Trung Quốc. Chủ doanh nghiệp này lý giải, nguyên nhân là do chi phí mua thức ăn cao, chủ yếu là cám nhập khẩu; thời gian nuôi dài, khoảng 2 năm trở lên mới cho thu hoạch.


Theo ông Điền, Trung Quốc tự sản xuất được cám dành cho cá tầm, không phải nhập khẩu. Tuy nhiên, chất lượng, thành phần trong thức ăn cho cá tầm mà Trung Quốc sản xuất vẫn là một dấu hỏi lớn. “Chúng tôi sẽ tiến hành phân tích thành phần, hàm lượng các chất có trong thức ăn của cá tầm do Trung Quốc sản xuất xem có đảm bảo an toàn không. Tại thời điểm này, có thông tin cho rằng trong cám cá tầm Trung Quốc có chất tăng trọng. Tuy nhiên, tôi khẳng định thông tin này là chưa có cơ sở. Muốn biết được chính xác thành phần các chất trong cám, chúng tôi phải tiến hành phân tích. Hiện Bộ NN&PTNT giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tiến hành xét nghiệm chất lượng cá tầm của Trung Quốc. Các mẫu cá tầm Trung Quốc đã được đưa đến các phòng thí nghiệm chuẩn để phân tích một cách toàn diện, kể cả các nguyên tố vi lượng, các loại nấm mốc, vi khuẩn. Bộ sẽ công bố kết quả khi các phòng thí nghiệm hoàn tất công việc phân tích các chỉ số này”.


Theo Tổng cục Thủy sản, nuôi cá tầm được đánh giá là một trong những ngành được chú trọng đầu tư trong thời gian tới. Bởi theo đánh giá, nước ta có nhiều tiềm năng nuôi loại cá này. Cụ thể, vùng núi phía bắc, Tây Nguyên có đủ điều kiện về địa hình, khí hậu để nuôi loài thủy sản này. Còn hiện nay, nghề nuôi cá tầm ở nước ta thực ra mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ông Điền cho biết thêm, hiện chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi cá tầm đã có, nhưng để triển khai một cách có hiệu quả, Tổng cục Thủy sản phải tiến hành khảo nghiệm, đánh giá về các khâu như: sản xuất giống, sản xuất thức ăn, phương pháp nuôi, thị trường tiêu thụ.

 

Khó phân biệt cá tầm Trung Quốc với cá tầm nội

 

Ông Điền cho rằng, nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá tầm Việt Nam. Cá tầm có nhiều loại, mỗi loại có những đặc điểm hình thái khác nhau. Dù được nuôi ở đâu thì hình dáng của mỗi loại không có sự thay đổi nhiều. Ông Điền cho biết: “Trung Quốc cũng nuôi các giống cá tầm Siberi, Nga, lai... như Việt Nam. Con cá tầm Nga nuôi ở Trung Quốc cũng sẽ giống con cá tầm Nga nuôi tại Việt Nam. Do đó, nếu nói bằng mắt thường mà nhận ra được con cá nào nuôi ở Trung Quốc, con cá nào nuôi ở Việt Nam thì chỉ là võ đoán. Muốn biết chính xác nguồn gốc cá, phải tiến hành phân tích mẫu cá trên cơ sở nguồn thức thức ăn của chúng”.



Huyền Tím

Nhập nhèm cá tầm trong nước và nhập lậu
Nhập nhèm cá tầm trong nước và nhập lậu

Cá tầm được tiêu thụ khá phổ biến tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kể từ khi có thông tin về việc cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam, người tiêu dùng hết sức hoang mang, không biết đâu là cá tầm nhập lậu và cá tầm trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN