Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài 2: Nguyên nhân và giải pháp

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài đánh giá, việc tồn tại “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

Chú thích ảnh
Xả nước thải không qua xử lý vào môi trường tại cơ sở chế biến nhựa phế phẩm ở tổ 12, khu 8, phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí. Ảnh: TTXVN phát

Thiếu ý thức bảo vệ môi trường

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường, trong khi cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề môi trường mới, phức tạp.

Trong khi đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế. Tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến. Sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã có những thay đổi tích cực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng bỏ qua hoặc xem nhẹ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu ý thức, còn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chưa thực hiện đầu tư cho các hệ thống xử lý chất thải hoặc đầu tư nhưng hoạt động không đạt tiêu chuẩn.

Năng lực quản lý về môi trường ở các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu; thẩm quyền, trách nhiệm quản lý môi trường còn phân tán; năng lực điều phối thống nhất quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường còn thiếu hụt rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu, không theo kịp mức gia tăng về quy mô và diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường, nhất là ở cấp huyện, xã.

Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch bảo vệ môi trường chậm được ban hành làm căn cứ thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là một số dự án đầu tư lớn chưa cao, chưa phát huy tốt hiệu quả của công cụ phòng ngừa ô nhiễm.

Đến nay, vẫn còn thiếu các cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường; thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường. Dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép đang xuất hiện ngày càng nhiều song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường; việc kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong các dự án đầu tư chưa được quan tâm thích đáng.

Vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân chưa được phát huy tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, cũng như chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Trên thực tế, bảo vệ môi trường dường như vẫn đang được xem là trách nhiệm của Nhà nước. Quan điểm bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ do thiếu những quy định xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, phân định nhiệm vụ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư.

Đồng bộ các giải pháp

Để giảm thiểu các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung, Tổng cục Môi trường chuyển từ thế bị động giải quyết sang chủ động kiểm soát, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là xây dựng Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường. Cùng với đó, thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương.

Chú thích ảnh
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Thới Lai (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động; tăng thanh tra đột xuất, xử lý “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường để giải quyết cơ bản các “điểm nóng” phát sinh về môi trường.

Nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, Tổng cục Môi trường đẩy mạnh thực hiện đề án về khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy và sông Đồng Nai; thực hiện các dự án bảo vệ, phục hồi, cải tạo không gian, mặt nước trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các ao, hồ, kênh, mương, sông...; rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại.

Tổng cục Môi trường chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương nhằm ngăn ngừa nhập khẩu trái phép các loại chất thải; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu; kịp thời xử lý các “điểm nóng” về môi trường phát sinh.

Đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương tiếp tục được vận hành có hiệu quả; rà soát, sửa đổi quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh để phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, các tổ chức và người dân đối với vấn đề môi trường xảy ra trên phạm vi cả nước.

Bài cuối: Giải quyết thách thức về môi trường

Minh Nguyệt (TTXVN)
Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài 1: Dễ phát sinh 'điểm nóng'
Kiểm soát 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường - Bài 1: Dễ phát sinh 'điểm nóng'

Thời gian qua, trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục xảy ra các “điểm nóng”, vụ việc về ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN