Đào Thị Thu Tr túm tóc, nhảy lên thúc gối vào mặt. Ảnh cắt từ clip đăng trên Facebook |
Từ các nguồn tin liên quan, phóng viên báo Tin Tức đã tìm hiểu và xác định vụ việc xảy trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Báo động bạo hành học đường Tại cơ quan công an huyện Lục Nam, Thượng tá Ngô Đình Dung, Phó trưởng Công an huyện cho biết, ngay sau khi đoạn clip được phát tán, từ những thông tin liên quan, các đội nghiệp vụ của công an huyện Lục Nam đã khẩn trương vào cuộc xác minh và làm rõ: “Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ xích mích chuyện tình cảm học đường”, ông Dung nói.
Đào Thị Thu Tr và Nguyễn Thị Lan H bạo hành dã man bạn học. |
Theo xác minh của cơ quan công an Lục Nam, chiều 28/1/2016, Đào Thị Thu Tr (SN 2000), học sinh lớp 10A3, trường THPT Dân lập Đồi Ngô, cùng Trần Thị Tr (SN 2002), học sinh lớp 8A2; Đặng Thị Lan O (SN 2002), học sinh lớp 8A3 trường THPT Tiên Hưng và Nguyễn Thị Lan H (SN 2001), học sinh lớp 9A1, trường THPT Đồi Ngô đến nhà em Nguyễn Thị Ch (SN 2001), học sinh lớp 9A4, trường THPT Bảo Đài - (nạn nhân bị bạo hành trong clip). Nhóm nữ yêu cầu Chinh ra khu vực cổng trường THPT Bảo Đài để nói chuyện. Sau đó, Đào Thị Thu Tr (người mặc bộ quần áo bò trong clip), Nguyễn Thị Lan H, đã chửi bới và dùng tay giật tóc, đấm, đá em Ch. Toàn bộ vụ việc được Đặng Thị Lan O quay ghi hình bằng điện thoại di động. Đến 18 giờ cùng ngày, Đào Thị Thu Tr đã đưa lên facebook cá nhân và phát tán trên mạng xã hội.
Sau khi đoạn clip phát tán, đã có hơn nửa triệu người comment bày tỏ bức xúc, lên án hành động bạo hành phi đạo đức của nhóm học sinh nữ trong clip. Theo cơ quan công an huyện Lục Nam, đoạn clip đã gây dư luận xấu trong xã hội, hình ảnh phản cảm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống của hệ thống trường học trên địa bàn. Hơn thế, clip còn ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận xã hội.
Điện thoại các loại do giáo viên Trường THPT Dân lập Đồi Ngô thu của học sinh trong giờ học. |
Có thể nói, đoạn clip bạo hành của nhóm học sinh trung học ở huyện Lục Nam không phải mới, 5 năm lại đây, năm nào trên mạng cũng xuất hiện những đoạn clip bạo hành học đường tương tự, gây phản cảm, nhức nhối xã hội.
Phạt hành chính rồi... cho vềLiệu có giải pháp nào hiệu quả từ ngành công an, với chức năng quản lý trật tự xã hội, để chấm dứt nạn bạo hành học đường? Trước câu hỏi này, Thượng tá Ngô Đình Dung cho rằng, việc trẻ em hư trước hết do sự buông lỏng quan tâm, giáo dục của gia đình. Bố, mẹ mải kinh doanh, bỏ bê việc giáo dục, gần gũi, dẫn dắt con cái. Buổi tối ở nhà, bố mẹ việc bố mẹ, con cái vào phòng riêng, đóng cửa chát chit, dùng internet độc hại cũng không biết… Ở lứa tuổi học sinh, các em rất tò mò, muốn thể hiện. Trong khi xã hội hiện nay rất nhiều loại thông tin, đặc biệt là thông tin mạng tràn lan, như chuyện tình cảm, chuyện anh hùng, anh chị, chuyện người lớn… Đứng trước các hiện tượng như thế, các em chưa đủ ý thức để chọn lọc, cân nhắc về hậu quả đối với những hành vi mình bắt chước, thể hiện và gây ra.
Cô Nguyễn Thị Chờ, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đồi Ngô, công khai túi điện thoại di động thu của học sinh. |
Thứ hai, đối với nhà trường, thực tế cho thấy, chú trọng nhiều vào dạy kiến thức mà ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, rèn luyện lối sống, ý thức sống cho các em. Ở trường không có các hoạt động sinh hoạt cộng đồng có giá trị, thú vị để hấp dẫn các em tham gia, giúp các em dành thời gian vào những việc có ích, thay vì lao vào mạng xã hội để va đập các thông tin mặt trái của xã hội.
Về trách nhiệm của cơ quan công an, Thượng tá Dung chia sẻ, đối với các hiện tượng bạo hành học đường, do các em ở lứa tuổi vị thành niên, nên hình thức áp dụng đối với các hành động này chỉ là phạt hành chính, không thể áp dụng hình sự như đối tượng trưởng thành, mặc dù hành vi các em thực hiện là bắt quỳ, tát, đấm, đá là làm nhục người khác. Cụ thể với các em trong clip bạo hành ở xã Bảo Đài, cơ quan công an đã mời các em, cùng các gia đình lên làm tường trình, phạt hành chính và các gia đình đều viết cam kết giáo dục con em. “Ngoài hình thức trên, cơ quan công an không thể có giải pháp gì thêm”, Thượng tá Dung cho hay.
Trang đi đâu?Tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam – (nơi học sinh Đào Thị Thu Tr học), hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Chờ cho biết, sau khi biết sự việc, nhà trường đã yêu cầu Đào Thị Thu Tr làm kiểm điểm, tường trình vụ việc. Bản tường trình có ý kiến của gia đình. Về hình thức kỷ luật, trường đang tạm đình chỉ việc học tập Đào Thị Thu Trang với thời hạn 2 tuần.
Trước vụ việc xảy ra, cô Nguyễn Thị Chờ bày tỏ, trường đã thực hiện đầy đủ các quy định của ngành giáo dục. Cạnh đó còn có nội quy riêng của trường. Tuy nhiên, ý thức của học sinh hiện nay yếu hơn so với trước đây. Hiện tượng học sinh hư hiện nay, có nguyên nhân không nhỏ do mạng xã hội tác động. “Nhà trường đã nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi đến trường. Nhưng các em thực hiện hay không là chuyện khác, hầu hết các em vẫn phổ biến lén lút sử dụng”, cô Chờ cho hay. Để minh chứng cho khẳng định của mình, cô Chờ lấy cho phóng viên xem một túi lớn, đựng đầy điện thoại di động tịch thu của học sinh.
Mong muốn được nói chuyện trực tiếp với học sinh Đào Thị Thu Tr (nhân vật chính thực hiện bạo hành trong clip), phóng viên báo Tin Tức được cô Nguyễn Thị Chờ cho biết, nhà trường không biết nhà cũng như số điện thoại của gia đình hay của em để liên lạc. Hiện nay, cứ 8 giờ sáng em có mặt ở trường để thực hiện hình thức kỷ luật là lao động dọn vệ sinh sân trường, sau đó về nhà. Tiếp tục đề nghị công an địa phương tìm giúp địa chỉ nhà của Đào Thị Thu Tr, đồng chí Ngọc, Trưởng công an xã Đồi Ngô cho biết: “Gia đình cũng đã thông tin cho công an xã Đồi Ngô, Tr chưa về nhà từ hôm bị nhà trường đình chỉ học tập!”.
Sau vụ kỷ luật của các cơ quan chức năng, Đào Thị Thu Tr đi đâu, làm gì không ai rõ. Việc em Tr sẽ tiếp tục theo học hay bỏ học. Rồi em sẽ trở thành con người như thế nào sau này, chưa ai có thể khẳng định. Qua vụ clip bạo hành trên cho thấy, trong sự vận hành của xã hội, dường như đang có khoảng trống đáng lo ngại trong việc chăm sóc, giáo dục những chủ nhân tương lai của đất nước.