'Sốc' với bạo lực học đường

Dư luận mấy ngày gần đây hết sức bàng hoàng trước clip được tung lên mạng Internet: Một nữ sinh lớp 7 trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Trà Vinh bị bảy học sinh (cả nam và nữ) túm tóc đánh hội đồng, dùng ghế nhựa phang tới tấp ngay tại lớp học.

Điều đáng nói, sự việc nghiêm trọng như vậy mà không hề thấy sự xuất hiện của những người có trách nhiệm, từ ban giám hiệu đến giáo viên, giám thị, bảo vệ nhà trường.

Hình ảnh cắt ra từ video ghi lại vụ nữ sinh trường trường THCS Lý Tự Trọng bị các bạn đánh. Ảnh: tuoitre.vn


Làm cách nào để không còn tái diễn tình trạng tương tự là câu hỏi không dễ trả lời. Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, đã liên tục xảy ra nạn bạo lực học đường, ở nhiều cấp học khác nhau: Học trò đánh nhau, thầy cô đánh chửi học sinh và ngược lại học sinh đánh thầy cô ngay trên bục giảng... Tình trạng bạo lực học đường, cũng phần nào nói lên những bất cập trong công tác giáo dục tại các trường học.

Trước hết là nhận thức của một bộ phận các thầy cô về bạo lực học đường chưa thật đầy đủ, thậm chí né tránh, sợ bị trả thù. Không ít trường, vì bệnh thành tích mà giấu giếm, xử lý sai phạm không nghiêm. Thậm chí, có trường còn cố tình né tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật, thậm chí có khi còn kiếm cách biện hộ, bao che cho những học sinh vi phạm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin về bạo lực học đường chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể, ngành giáo dục coi trọng, dẫn tới việc can thiệp, trợ giúp khi xảy ra bạo lực học đường không kịp thời...

Nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường đã được phân tích, mổ xẻ từ lâu, chỉ có điều, những người có trách nhiệm chưa quan tâm, rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn.

Vai trò, trách nhiệm của ban giám hiệu, hội đồng giáo viên và các đoàn thể tại các trường để xảy ra tình trạng bạo lực chỉ mang tính hình thức, chưa cụ thể, rõ ràng. Rồi vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan bảo vệ pháp luật đến đâu?

Những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, đã cho thấy, các cấp chính quyền địa phương và cán bộ có trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận, chưa kịp thời vào cuộc, xử lý không nghiêm, do vậy để lại hậu quả hết sức đau lòng.

Vẫn biết, sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc dành cho những học sinh coi thường kỷ luật nhà trường, nhưng với những người làm cha làm mẹ và với dư luận xã hội, tình trạng bạo lực học đường sẽ còn đọng lại nhiều day dứt. Những học sinh là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường chắc chắn bị tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác.

Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới môi trường giáo dục nói chung. Bởi trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi giáo dục nhân cách, lối sống, nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh.

Từ những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây, đòi hỏi ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, để phòng tránh các nguy cơ xấu có thể xảy ra đối với các em. Tuổi học trò, lứa tuổi hết sức nhạy cảm và các em rất cần một môi trường sống thân thiện, an toàn.

Trách nhiệm của người lớn là chăm sóc, bảo vệ, tạo mọi điều kiện để các em được phát triển trong một môi trường lành mạnh, trong vòng tay nhân ái của cộng đồng. Đó cũng là điểm tựa giúp các em chủ động học và làm theo cái tốt, tránh xa cái xấu, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng và có niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống.


Yến Nhi
Báo động bạo lực học đường
Báo động bạo lực học đường

80% các vụ xô xát giữa các em học sinh đều bắt nguồn từ xích mích. Thay vì cảm thông cho nhau thì các em đã "giải hòa" bằng bạo lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN