Từ vụ nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Ngẫm về bài học luân lí và sự im lặng

Gần đây, xảy ra hai vụ bạo lực học đường, nữ sinh bị bạn cùng lớp đánh ngay tại lớp học ở trường THCS Lý Tự Trọng ( TP Trà Vinh) và trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) để lại hậu quả nghiêm trọng đến tâm lý và thể trạng của nạn nhân. Điều đáng nói là bạo lực diễn ra ngay ở môi trường học đường, vậy mà trong một thời gian dài, không một cá nhân nào lên tiếng.

Hai sự việc trên khiến chúng tôi, những người làm nghề dạy học nghĩ đến điều mà chí sĩ Phan Châu Trinh trăn trở cách đây 90 năm trước và gửi gắm trong bài viết “Về luân lí xã hội ở nước ta” trích trong “Đạo đức và luân lí Đông Tây”. Bài viết được Phan Châu Trinh diễn thuyết vào đêm ngày 19/11/1925 tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn.

Ảnh từ clip nữ sinh đánh bạn ở Trà Vinh. Ảnh: vov.vn


Mở đầu bài viết, ông nhấn mạnh “Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến…” (SGK Ngữ văn 11, Nâng cao, NXBGD, 2006, tr 99) và đưa ra những chứng cứ sát thực rằng “Người nước mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không liên quan đến mình” (SGK Ngữ văn 11, Nâng cao, NXBGD, 2006, tr 100).

Đọc đến đây, ngẫm đến sự việc hôm nay, sự khẳng định của một chí sĩ yêu nước cách đây gần 100 năm tưởng như đã cũ mà còn nóng hổi tính thời sự. Hai vụ nữ sinh ở Trà Vinh và Phú Thọ bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng đến thâm tím mặt mũi, có em nạn nhân (nữ sinh THPT Tử Đà - Phú Thọ) đau đớn đến mức “cấm khẩu”, khủng hoảng tâm lý đến trầm trọng, thậm chí phải nghỉ học. Sự việc ngang nhiên diễn ra ngay trong phạm vi lớp học, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa không gian học đường là nơi nuôi dưỡng ước mơ của những tâm hồn non trẻ, là nơi chứa đầy những kỷ niệm đẹp về một thời áo trắng. Vậy mà, những cô cậu học trò, vốn là bạn cùng lớp với nạn nhân, không ai dám vào can các bạn và xin đừng tiếp tục đánh bạn mình nữa; cũng không có bạn nào can đảm đi báo cáo cô giáo chủ nhiệm về vụ việc. Tất cả các thành viên của lớp đều im lặng, một sự im lặng đến đáng sợ. Để rồi, hai nữ sinh kia hằng ngày đến trường trong tâm trạng nơm nớp lo sợ và tiếp tục nhận những trận đòn “quái ác”.

Phải chăng những thành viên của hai lớp học kia, những chủ nhân tương lai của đất nước, được học tập trong một điều kiện tốt, chương trình giáo dục đổi mới và hiện đại, vậy nhưng nhận thức về luân lí bè bạn không hề có. Phải chăng, sự im lặng ấy xuất phát từ điều mà Nhà Cách mạng Phan Châu Trinh từng nói. Phải chăng, những học sinh kia sợ rằng mình sẽ bị liên lụy nếu như đi báo cáo cô giáo? sẽ bị các bạn thù nếu sự việc bị bại lộ? Rồi cũng “chặc lưỡi” rằng “Phải ai tai người ấy”. Để rồi, sự im lặng của học trò chuyển thành sự im lặng đáng sợ của thầy cô giáo chủ nhiệm, Ban giám hiệu Nhà trường. Còn hai nữ sinh kia âm ỉ trong tâm trạng mình nỗi lo sợ về tâm lý, nỗi đau đớn về thể xác.

Bài học “Về luân lí xã hội ở nước ta” của Phan Châu Trinh được dạy-học ở chương trình Ngữ văn lớp 11 (Gồm cả chương trình nâng cao và cơ bản). Học sinh vừa mới được học bài học này cách đây vài tuần. Thật đáng buồn là bài học chưa “ráo mực” thì hai vụ bạo lực học đường nghiêm trọng được phanh phui và tiến hành làm rõ.

Cuối bài viết của mình, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh có nhấn mạnh về giải pháp để nước ta có luân lí xã hội, trong đó, tập hợp mọi người trong những hội và đoàn thể để bênh vực quyền lợi của nhau là giải pháp cần làm trước hết. Hôm nay, chúng ta đã có nhiều đoàn thể rồi, từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến các cụ người cao tuổi, ai cũng có hội và đoàn thể của mình. Nhưng liệu rằng, có phải tất cả những người bước chân vào hội và đoàn thể đều là những người dám đứng lên bênh vực cho thành viên của mình, dám bênh vực người bị hại?

Martin Lutherking - nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng:“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Những học sinh của hai lớp học có học sinh bị đánh hội đồng có thể đều là những học sinh ngoan, nhưng sự im lặng của các em dẫn đến sự im lặng của người lớn liệu có đáng sợ khi thành viên sống và học tập ngay bên cạnh mình hằng ngày bị đe dọa và đối mặt với bạo lực?

Xin hãy dạy cho các em bài học về luân lí, bài học mà cách đây gần 100 năm, cổ nhân đã từng trăn trở và khẳng định những vấn đề đến hôm nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc.

N.T.L
Đi ăn trộm bị đánh hội đồng đến chết

Sau khi cùng một vài thanh niên đột nhập vào nhà anh Minh để trộm cắp tài sản, Danh bị phát hiện, đuổi bắt và đánh hội đồng đến tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN