Cần sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội
Theo Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu trọng tâm là phải ngăn chặn, loại bỏ hoàn toàn xe cơ giới hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông.
Mặc dù hành lang pháp lý cho việc quản lý, loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng đã khá rõ ràng, song loại xe này vẫn ngang nhiên hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam thống kê, cả nước hiện có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở khách. Trong năm 2020, toàn quốc có gần 16.500 xe ô tô hết niên hạn sử dụng. Tất cả các trường hợp xe hết niên hạn đều được đăng tải công khai (biển số, địa chỉ chủ xe) trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ lực lượng chức năng, người dân tra cứu. Chương trình phần mềm quản lý kiểm định của các trung tâm đăng kiểm cũng tự động chặn kiểm định đối với xe hết niên hạn. Do đó, chưa xảy ra trường hợp nào xe ô tô hết niên hạn “lọt” đăng kiểm.
Theo ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tại mỗi địa phương, các trung tâm đăng kiểm được giao nhiệm vụ cập nhật và thông báo danh sách xe hết niên hạn cho Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở GTVT để phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm. Vì theo quy định, xe cơ giới không được phép lưu thông trên đường khi đã hết niên hạn sử dụng, chủ phương tiện phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số và kiểm định cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chỉ có chưa đầy 10% phương tiện hết niên hạn chấp hành quy định.
Các chuyên gia giao thông, nguyên nhân dẫn tới thực tế trên là do chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện không nộp lại đăng ký, biển số, khiến nhiều chủ xe chưa chấp hành. Bên cạnh đó, chiếc xe là tài sản, nên nhiều chủ xe cố tình giữ lại, lén lút sử dụng.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện chấp hành, thay mới phương tiện, nên giữ lại để mưu sinh. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, nguồn lực xã hội và cách xử lý linh hoạt, tạo điều kiện cho chủ xe nhận thấy việc tiêu hủy phương tiện hết niên hạn có lợi ích.
Ngoài ra, để việc quản lý hiệu quả hơn, chính quyền các địa phương cần thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là ở địa bàn huyện, xã rà soát, thu hồi biển số xe và lập danh sách xe hết niên hạn để quản lý, xử lý khi tham gia giao thông...
Hơn 20.000 xe ô tô sắp hết niên hạn
Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, đến cuối năm 2021, có 20.680 ô tô chở khách, xe tải sắp phải ngừng tham gia giao thông, nộp lại biển số, đăng ký do hết niên hạn sử dụng. Cục đã có văn bản thông báo, cung cấp đến Sở GTVT các địa phương danh sách số xe hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2022; đồng thời, đề nghị Sở GTVT các địa phương chỉ đạo lực lượng Thanh tra và báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp xe hết niên hạn tham gia giao thông.
Theo Thông tư số 58/2020/BCA của Bộ Công an (quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), cơ quan quản lý đăng ký xe có trách nhiệm thông báo cho chủ xe đã hết niên hạn về việc thu hồi đăng ký, biển số xe. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ xe không tự giác nộp lại, cơ quan đăng ký thu hồi trên hệ thống đăng ký xe và thông báo cho công an các đơn vị, địa phương.
Căn cứ danh sách xe ô tô hết niên hạn sử dụng do cơ quan đăng ký xe cung cấp, công an cấp xã nơi chủ xe cư trú thông báo, tiến hành thu hồi đăng ký, biển số xe và gửi cho cơ quan quản lý đăng ký xe. Theo quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ, trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số bị phạt 2-4 triệu đồng (chủ xe cá nhân) và 4-8 triệu đồng (chủ xe là tổ chức). Trường hợp xe đã hết niên hạn tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện bị phạt 4-6 triệu đồng, tước GPLX 1-3 tháng và tịch thu phương tiện.
Quy định về niên hạn sử dụng ô tô bắt đầu được áp dụng từ năm 2004 và hiện các loại xe phải áp dụng niên hạn gồm ô tô tải (chở hàng, chở hàng chuyên dùng), ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái), ô tô chở người chuyên dùng và các loại xe không được miễn trừ áp dụng niên hạn được quy định tại Nghị định 95/2009 của Chính phủ. Niên hạn sử dụng được tính từ năm sản xuất xe, trong đó xe tải có niên hạn sử dụng không quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm.