Không đăng kiểm xe vận tải không lắp camera giám sát

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) thống kê, hiện mới có gần 15.500 xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo, xe container lắp camera giám sát theo quy định, đạt tỷ lệ 7,5% tổng số xe, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thờ điểm phải lắp (31/12). Nhiều chủ xe, lái xe đang có tâm lý “ngóng” chờ lùi thời hạn.

Nhiều xe không lắp khi đăng kiểm

Theo TCĐBVN, các địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao như: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%, còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%...

Qua tìm hiểu, tại các trung tâm đăng kiểm của Hà Nội, các xe thuộc diện phải lắp camera đi kiểm định phương tiện định kỳ đều không lắp camera để lưu trữ hình ảnh, truyền dữ liệu hình ảnh cho cơ quan quản lý vận tải, viện dẫn nhiều lý do.

Chú thích ảnh
Không đăng kiểm xe vận tải không lắp camera giám sát.

Anh Cao Bá Cường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chủ xe du lịch 24 chỗ chạy hợp đồng chia sẻ, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài nên từ năm 2020 đến nay, xe anh hầu như nằm bãi gửi xe, nhưng đến thời gian đăng kiểm vẫn phải đi kiểm định theo quy định và chở khách nếu có hợp đồng. Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, thỉnh thoảng mới có hợp đồng chạy xe, nên không đủ tiền chi trả các chi phí phát sinh. Bây giờ phải bỏ 5-7 triệu để lắp camera giám sát, cộng với tiền thuê bao đường truyền thì… xót xa.

Còn anh Nguyễn Đức Long, lái xe đầu kéo ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, công ty anh có có hơn chục xe đầu kéo, nhưng đến nay chưa xe nào lắp camera. Với giá xăng tăng cao, bị ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian dài không chạy, hiện nay, phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng để lắp camera sẽ là khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp… Trước đây, khi mới có quy định xe vận tải phải lắp camera trước ngày 1/7/2021, công ty cũng chủ trương lắp, nhưng sau đó được hoãn đến 31/12/2021. Hiện nay, xe không lắp camera vẫn được đăng kiểm, nên công ty đang chờ lùi thời hạn lắp…

Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thống kê, mặc dù trung tâm đăng kiểm các địa phương đều được tuyên truyền, phổ biến quy định lắp camera giám sát là điều kiện vận tải bắt buộc, song nhiều xe vẫn chưa lắp. Trung bình, mỗi trung tâm đăng kiểm có khoảng 20-30 xe đi đăng kiểm/ngày, nhưng số đầu xe có camera giám sát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các doanh nghiệp, lái xe đều nắm rõ quy định phải lắp camera giám sát trước ngày 31/12/2021, nhưng cố tình “chây ì” để ngỏ.

Kiên quyết không lắp camera không đăng kiểm

Nghị định số 10/2020/CP quy định rõ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhóm xe phải lắp camera trước ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nghị quyết số 66/CP của Chính phủ cho phép hoãn thời hạn xử phạt đến hết năm 2021, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hướng dẫn trong thời gian này chưa bắt buộc kiểm định đối với hạng mục lắp camera giám sát. Trường hợp xe đã lắp được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng kiểm.

Theo ý kiến của lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm, trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera giám sát, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện. Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, sau thời điểm 31/12, các xe vận tải chưa lắp sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt (từ 1-2 triệu đồng với lái xe; từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-12 triệu đồng đối với doanh nghiệp không lắp theo quy định) nếu kiểm tra, phát hiện.

Ngoài ra, trường hợp xe có thời hạn đăng kiểm từ nay đến 31/12/2021, nhưng chưa lắp camera giám sát, sau đó lắp trước hạn đăng kiểm tiếp theo và đề nghị bổ sung vào giấy chứng nhận đăng kiểm có thể phải kiểm định lại toàn bộ phương tiện, phải trả phí, lệ phí như kiểm định bình thường. Vì vậy, việc lắp camera giám sát sau khi được kiểm định, được ghi trong giấy chứng nhận còn làm căn cứ để xuất trình khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Theo ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), các trường hợp xe khách, xe đầu kéo, xe chở container có thời hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, nếu lắp camera trước thời hạn đăng kiểm, có thể đề nghị trung tâm đăng kiểm xác nhận đã lắp, để không phải kiểm định lại. Khi đến kỳ đăng kiểm gần nhất sẽ đề nghị kiểm định thiết bị trên, bổ sung vào hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề xuất lùi thời hạn xử phạt xe không lắp camera đến hết năm 2022 và các xe sẽ lắp camera vào chu kỳ kiểm định trong thời gian trước 31/12/2022. Cụ thể, nội dung Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ quy định tạm ngưng áp dụng việc xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/CP đến hết ngày 31/12/2021 đối với vi phạm liên quan đến việc lắp camera giám sát trên xe ô tô thuộc diện bắt buộc. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ và tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện quy định về lắp camera giám sát.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Ô tô không đủ điều kiện đăng kiểm bị cảnh báo trên hệ thống toàn quốc
Ô tô không đủ điều kiện đăng kiểm bị cảnh báo trên hệ thống toàn quốc

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), chủ ô tô các loại được lựa chọn trung tâm đăng kiểm trong cả nước để đăng kiểm, kiểm định, nhưng trường hợp xe bị "trượt" đăng kiểm sẽ bị cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm cả nước, nhằm tránh tình trạng xe không đủ điều kiện đăng kiểm tại trung tâm này chuyển sang trung tâm khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN