Huy động các nguồn lực cho việc bảo đảm nguồn vaccine phòng COVID-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 28/5, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc mới gồm một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Vĩnh Long; 253 ca ghi nhận trong nước.

Trong đó, số ca mắc cao nhất vẫn là ở Bắc Giang (176 ca); tiếp đó là Bắc Ninh (33 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (25 ca), Lạng Sơn (10 ca)... Như vậy, tính đến tối 28/5, Việt Nam có tổng cộng 5.077 ca ghi nhận trong nước; 1.493 ca nhập cảnh. Tính từ ngày 27/4 đến nay có 3.507 ca mắc mới. Cả nước đã có 2.896 ca được điều trị khỏi.

Ngày 28/5, bệnh nhân số 3026 (nữ, 22 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tử vong do sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tủy xương, nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã có 47 ca tử vong có liên quan đến COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tiêm cho công nhân tại khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tính đến hết ngày 27/5, Việt Nam đã tiêm chủng 1.038.741 mũi vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 cho các đối tượng ưu tiên; trong đó, 28.529 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh

Chiều 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã chủ trì lễ phát động quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Cũng trong ngày, tại lễ tiếp nhận kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Báo Nhân Dân trao tặng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, toàn bộ số tiền do MTTQ Việt Nam các cấp tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch trong đợt cao điểm này sẽ được sử dụng hiệu quả. Mặt trận sẽ phân bổ kịp thời nguồn kinh phí ủng hộ để hỗ trợ cho những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch; những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như sử dụng để mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân.
 
Ngày 28/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã tới thăm, động viên và trao tặng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương, đánh giá cao sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo trong chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các tỉnh, đã có những biện pháp kịp thời, quyết đoán như đóng cửa các khu công nghiệp, giãn cách và cách ly, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch ra toàn quốc. Thời gian tới, hai địa phương cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, đồng thời từng bước khôi phục sản xuất, thực hiện nhiệm vụ kép, ổn định mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng mỗi tỉnh 3,5 tỷ đồng, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine COVID-19
 
Chiều tối 28/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch của hai  tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết,  Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp và dân cư lân cận, hai tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại nhằm giữ an toàn trong các khu công nghiệp.
 
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tiếp nhận 185 tỷ đồng ủng hộ từ 8 đơn vị, doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Công ty Cổ phần thiết bị Điện Việt Nam; Tập đoàn BIM Group; Công ty Cổ phần VNG; Ngân hàng Hàng hải; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn KOSY; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang)trao tặng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam:

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của ngành Y tế là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.

Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca; là một trong 92 quốc gia được COVAX Facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine xin phòng COVID-19. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer. Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.

Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước… Đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là rất quan trọng. Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất, đảm bảo an ninh vaccine của Việt Nam.

Thí điểm cách ly F1 tại nơi lưu trú

Ngày 28/5, Bộ Y tế vừa có văn bản số 4352/BYT-MT gửi các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp; yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 hằng tuần cho toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp và báo cáo Sở Y tế.

Khi có ca mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế, phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc. Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly. Thí điểm đối với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, khi số lượng các trường hợp F1 vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân); tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung; lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.

Phòng, chống dịch trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày 28/5, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có công văn số 624/TGCP-TL về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; đồng thời có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), không gian nhỏ hẹp, kín, người tham gia không đeo khẩu trang khi sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan nhanh, làm tăng số ca nhiễm.

Để ngăn chặn dịch lan rộng, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm ngưng các hoạt động tụ tập đông người nhất là ở trong phòng kín. Các cuộc họp cần thiết, tổ chức đảm bảo không quá 20 người trong một phòng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và mang khẩu trang;dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động có tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; chấp hành nghiêm, không vi phạm để tạo ra những sự kiện lây nhiễm...

Trưa 28/5, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã cập nhật hướng dẫn giám sát các trường hợp từng đến 44 địa điểm (theo các khung thời gian cụ thể) có liên quan đến các ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố; yêu cầu người dân cần cách ly tại nhà theo quy định.

TTXVN/Báo Tin tức
Hơn 160 tỷ đồng quyên góp ủng hộ mua vaccine và phòng, chống dịch COVID-19
Hơn 160 tỷ đồng quyên góp ủng hộ mua vaccine và phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 28/5, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ mua vaccine và phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN