Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách về phân phối, tiêm chủng cụ thể tới các ngành nghề, doanh nghiệp để có thể ổn định và duy trì sản xuất.
Chia sẻ tại buổi họp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, hiện lực lượng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức cực lớn về đóng cửa nhà máy, chậm đơn hàng, tiến độ. Nếu chậm thì phải giao hàng bằng máy bay, sẽ rất tốn kém. Vì dịch COVID-19, hiện hàng chục nhà máy của doanh nghiệp trong ngành đang đóng cửa hơn 1 tuần khiến doanh nghiệp gặp thách thức lớn trong giao hàng.
Vấn đề thứ hai là bản thân người lao động cần được tiêm vaccine. COVID-19 khiến tâm lý người lao động không ổn định, lo sợ dịch bệnh dẫn đến nghỉ việc, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, các vấn đề về phòng chống dịch khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí.
“Với lượng người lao động lớn trong các ngành nghề nói chung và dệt may nói riêng, thì vấn đề đặt ra là nhập khẩu và tiêm như thế nào? Tất cả doanh nghiệp cùng kiến nghị đưa vaccine về thì bảo quản ra sao, đội ngũ y bác sĩ tiêm cho người lao động như thế nào... Đó là chưa kể kinh phí. Với doanh nghiệp lớn, họ sẵn sàng tiêm cho người lao động miễn phí. Nhưng còn số doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính không đảm bảo thì Chính phủ cần cân nhắc giải pháp tiêm được cho tất cả người lao động”, ông Giang nói.
Hiện nay, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine quốc gia, với sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Tuy nhiên, với số lượng vaccine được nhập khẩu lớn, lên đến hàng chục triệu liều thì vấn đề triển khai tiêm, tránh hết hạn và tồn đọng vaccine cũng được các doanh nghiệp đưa ra.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Túi xách, Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, hiện nay, nhà nước có kế hoạch cung ứng vaccine cho các địa phương là tâm dịch. Nhưng sau đó địa phương nào, doanh nghiệp nào sẽ là ưu tiên ? Đơn vị nào cũng có nhu cầu và sẵn sàng đóng góp chi phí để có được vaccine tiêm phòng.
“Do vậy, cần xây dựng một kế hoạch chi tiết cung ứng và triển khai tiêm đến người dân, doanh nghiệp”, bà Xuân nói.
Thông tin tại buổi họp cho hay, ở Indonesia, Chính phủ nước này đã ban hành chính sách cho các doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí tiêm vaccine cho người lao động và gia đình khoảng 1,6 triệu đồng/người. Các hiệp hội ngành hàng sẽ nộp danh sách tiêm cho Bộ Y tế để kiểm tra danh sách tiêm xã hội hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia, tránh trùng lặp với danh sách tiêm miễn phí của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khuôn khổ Chính phủ đàm phán gói mấy chục triệu liều vaccine thì mong rằng, Chính phủ sẽ mua để tiêm miễn phí cho công nhân. Thứ hai, các doanh nghiệp, hiệp hội phải có thêm kênh thứ 2 tìm kiếm mua vaccine, có thể thông qua các doanh nghiệp FDI, Eurocham... để có đề xuất với phía nước ngoài trong cung ứng vaccine.
Ông Ngô Sĩ Hoài, Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Chính phủ cho phép mua 1 triệu liều để tiêm cho công nhân, nhưng xem ra là rất khó. Trong khi đó, vaccine trong nước làm hơi chậm. Cần phải có vaccine sớm hơn chứ không sẽ trễ trước khi đại dịch lan ra.
Hiện tại nguồn cung vaccine là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, khi nhà nước triển khai thì cần tiêm loại vaccine gì, nguồn từ đâu, giá cả bao nhiêu... ? Mỗi hiệp hội sẽ đăng ký với nhà nước lượng tiêm từ các doanh nghiệp, thu tiền và đặc biệt là nhà nước phải có cơ chế rõ ràng để phân chia vaccine.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề trước mắt hiện nay là bảo quản và vận chuyển vaccine khi nguồn vaccine hàng triệu liều về Việt Nam. Doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp nhân lực, tài lực cho việc tiêm vaccine nhưng cũng cần có kế hoạch chi tiết.
“Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp, ngành hàng để có báo cáo về tính chủ động của các doanh nghiệp, đề xuất lên các cơ quan chức năng, để từ đó có kế hoạch phân phối, tiêm phòng vaccine”, ông Hoàng Quang Phòng nói.